Tuyển sinh: Mệt khâu xét tuyển!

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, hệ giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp thấp, trong đó một tỉ lệ lớn học viên bị điểm liệt. Điều đó chứng tỏ chất lượng giáo dục thực sự có vấn đề, mà như các chuyên gia giáo dục thì những học viên này đáng lẽ phải lưu ban từ những năm học trước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12-8.

Bộ GD&ĐT nên cầu thị

Ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có mặt được là không chạy theo thành tích, không tạo ra áp lực về tỉ lệ học sinh đỗ hay trượt. Tuy nhiên, theo ông Minh, vẫn còn nhiều vấn đề mới phát sinh chưa lường trước được, nhất là khâu xét tuyển, dẫn đến tình trạng vừa làm vừa xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ.

Trao đổi bên lề, một lãnh đạo Sở GD&ĐT (xin được giấu tên) cho rằng mặc dù kỳ thi đã giản tiện hơn nhiều nhưng phụ huynh và học sinh vẫn đau đầu trong khâu xét tuyển. 20 ngày xét tuyển là 20 ngày cả gia đình thí sinh như ngồi trên đống lửa vì phải liên tục theo dõi thông tin cập nhật xét tuyển, vừa phải chuẩn bị tâm lý rút hồ sơ sang trường khác nếu nằm ngoài chỉ tiêu của trường đăng ký.

“Năm sau Bộ GD&ĐT cần có những cải tiến mạnh mẽ hơn trong tuyển sinh ĐH-CĐ để thí sinh không phải vất vả như năm nay, theo đúng tinh thần ngành giáo dục phải nhận phần khó về mình” - vị này đề xuất.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ GD&ĐT sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để kỳ thi hoàn thiện hơn. Đồng thời, xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về tuyển sinh mặc dù Bộ GD&ĐT khẳng định đã lường được hết diễn biến và khuyên thí sinh, phụ huynh yên tâm nhưng nhiều người vẫn bức xúc về xét tuyển. “Thực tế cho thấy Bộ chưa lường được hết và người dân chưa thể yên tâm. Tôi đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng chịu vất vả, điều chỉnh nếu cần thiết để tất cả vì thí sinh. Mục tiêu lớn nhất là không có thí sinh điểm cao trượt ĐH” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Kỳ thi THPT quốc gia thật sự chưa làm xã hội yên tâm. Ảnh: P.ANH

Thực hiện Thông tư 30 còn rập khuôn

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc cho điểm từ lâu đã trở thành thói quen nên một bộ phận cha mẹ học sinh chưa đồng tình với cách đánh giá mới. Phụ huynh cảm thấy khó khăn trong việc xác định mức độ học tập của con em mình.

“Một điểm nữa là số học sinh mỗi lớp còn cao nên khối lượng công việc mà giáo viên phải thực hiện còn nhiều, dễ dẫn tới sai sót hoặc thực hiện theo kiểu qua loa, chiếu lệ, làm cho xong việc” - đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, cho rằng mặc dù Bộ và Sở đã có hướng dẫn sử dụng hồ sơ đánh giá theo hướng giảm thiểu hồ sơ, sổ sách để giáo viên tập trung vào giảng dạy nhưng trên thực tế nhiều trường có tâm lý sợ làm sai nên yêu cầu giáo viên phải ghi đầy đủ các cột, dòng theo mẫu theo dõi chất lượng. Từ đó tạo ra tâm lý đối phó trong giáo viên, nhất là giáo viên có sĩ số học sinh trên 35 em/lớp, giáo viên chuyên biệt phải dạy nhiều lớp.

Thừa nhận những bất cập trong thực hiện Thông tư 30, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh hoạt động đánh giá học sinh tiểu học được hiệu quả hơn. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, điều lệ trường tiểu học, kiểm định chất lượng giáo dục, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Thông tư 30.

“Các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới công tác quản lý, giảm nhẹ hồ sơ, sổ sách, sự vụ hành chính để giáo viên dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn; hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh” - ông Hiển yêu cầu.

Phó thủ tướng đề nghị khai giảng cùng một ngày

“Từ nhiều năm nay tôi đã đi dự khai giảng nhưng có một điều tôi thấy ngày giờ khai giảng của các trường lại phải phụ thuộc vào thời gian của các lãnh đạo cấp trên. Bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh, nhất là các cháu tiểu học phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng. Tôi đến dự khai giảng và nhà trường yêu cầu phát biểu nhưng phần lớn các cháu có để ý tôi phát biểu gì đâu.

Vì vậy, ngành giáo dục nên kiên định chọn một ngày khai giảng. Cả nước chỉ khai giảng trong một ngày (sáng mùng 4 hoặc sáng mùng 5-9) và khai giảng đúng nghi lễ cần thiết là chào cờ. Nếu được cả nước cùng làm một buổi, cùng một giờ, cùng chào cờ, hát quốc ca, sau đó đọc thư Chủ tịch nước. Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn, còn phần sau là để ngày hội cho thầy cô giáo và các cháu. Chúng ta làm thực sự vì học sinh”.

Tiếp thu ý kiến trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã yêu cầu các sở tổ chức khai giảng ngắn gọn, trong một ngày.

_____________________________

Việc rút hồ sơ là quyền lợi của thí sinh. Như thế sẽ khắc phục tình trạng các cháu bị trượt oan, điểm cao thì rớt, điểm thấp lại đậu theo kiểu may rủi như mọi năm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHẠM VŨ LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm