Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo UBND TP về tình hình triển khai tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP.
Cụ thể, theo Sở GTVT TP, theo kế hoạch, 5 tuyến buýt điện ở TP.HCM sẽ triển khai thí điểm với thời gian 24 tháng kể từ khi các tuyến đi vào hoạt động. Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus vận hành các tuyến buýt này.
Thông tin về tuyến buýt điện D4 (VinHome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn), Sở GTVT TP cho biết khối lượng vận chuyển của tuyến xe buýt điện đầu tiên liên tục tăng kể từ khi đưa vào hoạt động. Đơn cử như doanh thu vé bình quân mỗi chuyến tăng từ 80,9 ngàn đồng/chuyến lên mức 154 ngàn đồng/chuyến.
Tuy nhiên, mức doanh thu này chỉ đạt khoảng 20,9% chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG).
Nguyên nhân là do là hiện nay tuyến xe buýt điện đầu tiên của TP đang được thực hiện theo đơn đặt hàng với đơn giá của dòng xe khí nén thiên nhiên (CNG), với tỉ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%. Sau hơn 1 năm thí điểm, tuyến buýt điện đầu tiên vẫn chưa có đơn giá riêng.
Để đảm bảo hoạt động, cân đối doanh thu sau khi được trợ giá, doanh nghiệp phải đảm bảo 55,9%, tương đương 392.000 đồng, tương ứng phải đạt 71 hành khách/chuyến.
Trong khi đó, tuyến xe buýt điện D4 chỉ đạt trung bình 22,5 hành khách/chuyến, đạt 31,8% so với sản lượng. Như vậy, tính trung bình mỗi chuyến xe buýt điện D4 đang bị lỗ 240.000 đồng.
Trước thực trên, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP áp dụng tỉ lệ trợ giá/chi phí làm cơ sở đặt hàng cho xe buýt điện với tỉ lệ 64,8%, loại xe CNG nhóm 4-CNG2 (chi phí khoảng 24,224 đồng/km). Thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2023 đến hết 31-12-2025.
Trường hợp TP ban hành đối với loại xe đang hoạt động thấp hơn đơn giá đang áp dụng, TP sẽ thực hiện thu hồi phần kinh phí trợ giá chênh lệch đối với xe buýt điện.
Trường hợp xe buýt điện được UBND TP ban hành với loại xe đang hoạt động cao hơn đơn giá đang áp dụng, TP sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện.