Ngày 16-8, chính phủ Ấn Độ phê duyệt kế hoạch chi gần 580 tỉ rupee (7 tỉ USD) phát triển hệ thống xe buýt điện trong nước. Mục tiêu nhằm tiến tới đưa vào sử dụng 10.000 xe buýt điện tại 169 thành phố cả nước trong 10 năm tới. Số tiền trên cũng sẽ được dùng để đầu tư cho các cơ sở hạ tầng liên quan và các trạm sạc, theo tờ The Times of India.
Một chiếc xe lam chạy ngang qua chiếc xe buýt điện ở New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: AFP |
Bộ trưởng Bộ Thông tin Ấn Độ - ông Anurag Thakur cho biết chính phủ liên bang sẽ tài trợ 200 tỉ rupee (hơn 2,4 tỉ USD) cho kế hoạch này. Số tiền còn lại sẽ do các bang có hệ thống xe điện hoạt động chi trả.
Kế hoạch này được thực hiện theo mô hình hợp tác công - tư, nên các công ty tư nhân được khuyến khích tham gia đấu thầu cho các dự án trong kế hoạch, theo The Times of India.
Sau thông tin về kế hoạch trên được đưa ra, giá trị cổ phiếu của các công ty chế tạo xe buýt điện như Olectra Greentech, JBM Auto đã tăng lên.
Việc chính phủ Ấn Độ thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng chạy bằng điện diễn ra trong bối cảnh nước này đang nỗ lực cắt giảm khí thải và giảm nhập khẩu nhiên liệu. Ngoài ra, kế hoạch trên được cho cũng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty chế tạo phương tiện và phụ tùng trong nước.
Ngoài kế hoạch đầu tư cho hệ thống xe buýt điện, chính phủ Ấn Độ cũng vừa phê duyệt kế hoạch đầu tư cho hệ thống đường sắt 325 tỉ rupee (3,9 tỉ USD).