Mỹ tính lập trung tâm hậu cần hải quân ở Ấn Độ

(PLO)- Mỹ tính lập trung tâm tiếp tế và bảo dưỡng các tàu và máy bay tại Ấn Độ, bổ sung năng lực ở khu vực Nam Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Nikkei Asia ngày 7-7 đưa tin Mỹ đang có kế hoạch thành lập trung tâm tiếp tế và bảo dưỡng các tàu chiến của nước này tại Ấn Độ, nhằm bổ sung cho năng lực của Washington hiện còn khá mỏng tại khu vực Nam Á.

Theo đó, Mỹ sẽ hỗ trợ Ấn Độ phát triển cơ sở hạ tầng được sử dụng để tiếp tế, sửa chữa và bảo trì tàu chiến và máy bay quân sự.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng hôm 23-6. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng hôm 23-6. Ảnh: AP

“Chúng tôi còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Mục tiêu là biến Ấn Độ thành một trung tâm hậu cần cho Mỹ và các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - Thư ký báo chí Lầu Năm Góc – Chuẩn tướng Pat Ryder nói với phóng viên vào cuối tháng trước.

Một trong những bước để hiện thực hóa mục tiêu trên là Hải quân Mỹ sẽ ký các thỏa thuận sửa chữa tàu với các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ.

Trước đó, Nhà Trắng cho biết Washington đã ký kết Thỏa thuận sửa chữa tổng thể tàu với xưởng đóng tàu Larsen & Toubro nằm gần thành phố Chennai (Ấn Độ). Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ cũng sắp hoàn tất các thỏa thuận riêng với hai công ty đóng tàu khác có trụ sở tại TP. Mumbai và tiểu bang Goa của Ấn Độ.

Quân đội Mỹ mong muốn xây dựng khả năng sẵn sàng xử lý nhanh chóng các hoạt động tiếp tế và sửa chữa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu Washington có quyền tiếp cận nhiều trung tâm hơn trong khu vực thì tàu thuyền và máy bay sẽ tiết kiệm được thời gian hơn. Từ đó nước này có thể dùng thời gian này để phân bổ cho các cuộc tập trận chung với các quốc gia khác trong khu vực.

Giáo sư Jeffrey Payne tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á nhận định: “Có khoảng cách lớn giữa các căn cứ mà Mỹ duy trì trong các thỏa thuận hậu cần song phương mà họ có ở Trung Đông và các khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhưng ở Nam Á thì chưa có, do vậy Ấn Độ đáp ứng nhu cầu này”.

Hiện tại, Nhật và Singapore đóng vai trò là các trung tâm hải quân quan trọng của Mỹ ở châu Á.

Ông Harry Harris - cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ bày tỏ hoan nghênh các sáng kiến giữa Mỹ và Ấn Độ.

“Hiện tại, chúng tôi hoạt động giữa căn cứ Diego Garcia và Tây Úc. Việc đảm bảo một trung tâm bảo trì, sửa chữa và hậu cần ở tiểu lục địa [Nam Á] là rất quan trọng vì điều này sẽ mang lại cho chúng tôi sự linh hoạt cần thiết ở khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn".

Căn cứ hải quân HMAS Stirling nằm tại Tây Úc. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Căn cứ hải quân HMAS Stirling nằm tại Tây Úc. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Lầu Năm Góc, Hải quân Trung Quốc hiện là lực lượng đông đảo nhất thế giới với 355 tàu chiến và tàu ngầm. Tờ Nikkei Asia cho biết nếu các tàu của Mỹ không dành nhiều thời gian hơn tại các vùng biển trong khu vực thì sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau Trung Quốc về năng lực hải quân.

Do đặc trưng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là các vùng biển rộng lớn nên việc tiến hành các hoạt động cung ứng trong khu vực trong trường hợp khẩn cấp sẽ khó khăn hơn so với các hoạt động tương tự ở châu Âu.

Chuẩn đô đốc Mark Melson - chỉ huy nhóm hậu cần của Hải quân Mỹ tại Singapore cho biết Washington “đang cố gắng mở rộng khả năng tiếp cận một số khu vực có thể tiến hành tiếp tế, tiếp nhiên liệu và nếu cần, có thể tái vũ trang lực lượng viễn chinh”.

Các thỏa thuận mới trên về tiếp tế và bảo dưỡng các tàu và máy bay giữa Ấn Độ và Mỹ đưa ra trong bối cảnh quan hệ song phương nồng ấm. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện về quốc phòng và kinh tế giữa hai nước, trong đó Quan hệ Đối tác quốc phòng quan trọng Mỹ - Ấn được xem là một trụ cột của hòa bình và an ninh toàn cầu.

Về mặt an ninh, Ấn Độ dường như đã chuyển trọng tâm sang quan hệ với phương Tây, theo tờ Nikkei Asia. Tuy nhiên nền tảng cơ bản của chính sách ngoại giao của Ấn Độ vẫn là "quyền tự chủ chiến lược", phát triển quan hệ hợp tác với các quốc gia khác phù hợp với lợi ích của New Delhi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm