Cụ thể, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có ý kiến về khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT, quy định: “Hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới: 6… kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định”.
Điều này có nghĩa là cơ quan đăng kiểm sẽ không kiểm định xe cơ giới khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định (PV).
Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng quy định nói trên có một số điểm không phù hợp. Đáng chú ý, quy định này chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Theo Luật Giao thông đường bộ, ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (khoản 3 Điều 55); Bộ trưởng Bộ GTVT có trách nhiệm quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới (khoản 6 Điều 55).
“Việc thực hiện kiểm định là trách nhiệm theo luật đối với chủ phương tiện cũng như cơ quan đăng kiểm. Chủ phương tiện có trách nhiệm đưa phương tiện đi kiểm tra định kỳ và cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện việc kiểm định để kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. Luật Giao thông đường bộ không quy định về trường hợp không kiểm định” - thông báo nêu rõ.
Trong khi đó, quy định trên dẫn đến có trường hợp chủ phương tiện và cơ quan đăng kiểm không thực hiện được trách nhiệm kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông, ngay cả khi lý do không thuộc về kỹ thuật hoặc bảo vệ môi trường (ví dụ như theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát giao thông do xe có vi phạm được phát hiện bằng các phương tiện kỹ thuật).
Cạnh đó, quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70 về trường hợp không kiểm định khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo (với phạm vi không chỉ về lý do kỹ thuật và bảo vệ môi trường) cũng không đầy đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền.
“Mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định Bộ trưởng Bộ GTVT có trách nhiệm quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới, tuy nhiên, Luật không quy định và cũng không giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trường hợp không kiểm định” - Cục Kiểm tra VBQPPL nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo Cục, hướng dẫn của Bộ GTVT tại Thông tư này cũng chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, không xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề nghị không kiểm định là cơ quan nào? Căn cứ, điều kiện để đề nghị không kiểm định là gì? Không có sự phân biệt để có cách xử lý hợp lý, công bằng giữa trường hợp chủ phương tiện được thông báo và trường hợp không được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc xe có vi phạm trước khi đưa xe đến kiểm định...
“Sự thiếu rõ ràng, minh bạch của quy định này gây ra khó khăn, vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với cả cơ quan nhà nước cũng như người dân” - thông báo của Cục nhận định.
Cục Kiểm tra văn bản cho rằng việc đặt ra các trường hợp không kiểm định, đặc biệt là lý do không thuộc về kỹ thuật hoặc bảo vệ môi trường (như trường hợp theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát giao thông do xe có vi phạm được phát hiện bằng các phương tiện kỹ thuật thời gian vừa qua là một ví dụ) cần cân nhắc, đánh giá thận trọng, nhất là về tác động về kinh tế-xã hội.
Từ những phân tích trên, Cục đề nghị Bộ GTVT xử lý ngay quy định chưa phù hợp tại khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70. Trường hợp qua rà soát cho thấy cần thiết có quy định về trường hợp tạm dừng kiểm định, Bộ GTVT cần nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền quy định cụ thể, bảo đảm tính hợp pháp, rõ ràng, minh bạch để thực hiện đúng và hiệu quả quy định của Luật Giao thông đường bộ về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.