Theo Bộ Công an và Cục Đăng kiểm, căn cứ để hai cơ quan phối hợp thực hiện việc này là Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Chi tiết hơn, khoản 6 Điều 4 thông tư này quy định là không kiểm định “khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định”.
Tuy nhiên, như nhận định mới đây của đại diện Bộ Tư pháp (bài “Sẽ sửa luật, ban hành thủ tục về phạt nguội”ngày 20-10) thì nội dung của điều khoản trên “chưa chặt chẽ, rõ ràng, có một số vấn đề về pháp lý khi đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ, nghị định về thẩm quyền của bộ trưởng Bộ GTVT…”. Dù vậy, việc chặn đăng kiểm - bất kể lỗi, phải của chủ xe - có phải tạm dừng thực hiện cho đến khi ba bộ Tư pháp, Công an, GTVT thống nhất được phương thức xử lý chính thức hay không thì đang bị bỏ lửng.
Bài “Mắc 3 lỗi, dân mà kiện thì CSGT khó đỡ” (Pháp Luật TP.HCMngày 8-10) đã phân tích rõ: Kiểm định xe là việc kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định. Sự mập mờ của điều khoản trên dễ tạo ra sự lạm quyền của cả CSGT lẫn cơ quan đăng kiểm khi không nêu cơ quan có quyền ra văn bản đề nghị không kiểm định là cơ quan nào (và trong trường hợp nào); xe có vi phạm là vi phạm các điều kiện kiểm định hay vi phạm giao thông đường bộ.
Với hình ảnh chụp được từ camera, CSGT chỉ có thể xác định nội dung, thời điểm vi phạm và biển số xe. Còn ai là người trực tiếp lái xe để thực hiện vi phạm thì chưa rõ và không hẳn tất tần tật là chủ xe. Người đó có thể là chủ xe theo giấy đăng ký hoặc là chủ mới chưa hoàn tất việc sang tên. Người đó cũng có thể là tài xế của chủ xe, là người mượn, thuê xe… Đành rằng chủ xe có nghĩa vụ hợp tác với CSGT để xác định người đã thực hiện hành vi sai phạm nhưng khi chưa có kết quả xác định, tại sao hết thảy chủ xe diện này đều bị dừng đăng kiểm xe? Hậu quả là nhiều trường hợp “vô tội” đã bị cản trở quyền sử dụng, lưu hành xe là những quyền nằm trong quyền sở hữu xe vốn được pháp luật bảo hộ.
Một lần nữa xin được khẳng định cơ quan nào thì nhiệm vụ đó. Việc phối hợp giữa hai cơ quan nhất định phải theo đúng quy định và tuyệt đối không chấp nhận đánh đồng tất cả chủ xe với người vi phạm. Với các quy định hiện hành, CSGT chỉ được quyền cưỡng chế đóng phạt sau khi đã có quyết định xử phạt đúng người, đúng lỗi chứ không có quyền cậy tay đăng kiểm o ép người không vi phạm phải đóng phạt cho xong chuyện. Tương ứng, cơ quan đăng kiểm cần phải biết lỗi kỹ thuật của xe hoàn toàn khác với lỗi vi phạm giao thông của người để chủ động chấm dứt những từ chối có thể gây oan sai cho các cá nhân khác.
C67 và Cục Đăng kiểm nên tạm dừng ngay việc “bắt tay” cưỡng bức dân đóng phạt nguội để tránh sai chồng sai!