Hãng Reuters ngày 16-12 đưa tin việc mạng xã hội Twitter của tỉ phú Elon Musk khóa tài khoản ít nhất 5 nhà báo nổi tiếng đã gây phản ứng dữ dội từ nhiều quan chức chính phủ và tổ chức trên toàn cầu.
Tối 15-12, Twitter đã khóa tài khoản của phóng viên Drew Harwell từ tờ The Washington Post, phóng viên Donie O'Sullivan của đài CNN, phóng viên Ryan Mac của tờ The New York Times... mà không thông báo trước. Lý do mà Twitter đưa ra là các phóng viên này tiết lộ thông tin cá nhân của ông Musk và gia đình.
Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các quan chức Pháp, Đức, Anh và Liên minh châu Âu (EU), nói rằng Twitter đang gây nguy hiểm cho tự do báo chí.
Trụ sở công ty Twitter ở thành phố San Francisco, bang California (Mỹ) ngày 18-11. Ảnh: REUTERS |
Cụ thể, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Roland Lescure tuyên bố ông sẽ ngừng sử dụng Twitter sau vụ việc.
Viết trên Twitter ngày 16-12, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách truyền thông toàn cầu Melissa Fleming nói rằng bà quan ngại về việc khóa tài khoản và lưu ý “tự do ngôn luận không phải là món đồ chơi”.
Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo Twitter rằng Bộ này đang quan sát các động thái gây nguy hiểm cho tự do báo chí.
EU cũng đe dọa trừng phạt ông Musk về vụ việc. Ngày 16-12, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - bà Vera Jourová có dòng tweet: “Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU (DSA) yêu cầu tôn trọng quyền tự do truyền thông và các quyền cơ bản”.
“Có những lằn ranh đỏ. Và sẽ sớm có lệnh trừng phạt” - bà cho biết thêm.
Về phía Twitter, Phó chủ tịch phụ trách Tin cậy và An toàn - bà Ella Irwin chia sẻ với Reuters rằng nhóm của bà đã xem xét từng tài khoản vi phạm chính sách quyền riêng tư mới của Twitter khi có liên quan đến vụ tiết lộ thông tin của ông Musk.
“Tôi hiểu rằng vụ khóa tài khoản dường như chủ yếu tập trung vào các nhà báo, nhưng chúng tôi áp dụng chính sách này một cách bình đẳng kể cả với tài khoản không phải nhà báo” - bà cho biết.