U70 đi học kỹ năng… sinh tồn

(PLO)- Ám ảnh với những lần chen chúc đi chùa và xem pháo hoa, gần đây là những vụ giẫm đạp thương tâm, người đàn ông U70 quyết "tầm sư học đạo" lớp dạy kỹ năng sinh tồn, sơ cấp cứu và chia sẻ câu chuyện của mình. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, đọc tin tức, tôi liên tục rùng mình bởi những thảm họa giẫm đạp với số người chết lên đến ba con số.

Ánh ảnh cảnh chen chúc

Vụ giẫm đạp ở sân bóng đá Kanjuruhan, Malang Regency (Đông Java, Indonesia) đã cướp đi sinh mạng của 127 người. Tiếp đến, đêm 29-10, 153 người chết vì chen lấn ở phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc). Ngày 1-11, 141 người chết vì sập cầu treo qua sông Machchu, thị trấn Morbi (bang Gujarat, Ấn Độ). Trước đó, vào năm 2010, thảm họa giẫm đạp kinh hoàng ở cầu Vồng (dài hơn 100m) nối Phnom Penh (Campuchia) với đảo Kim Cương nhân dịp lễ hội nước – Bon Om Touk đã làm 456 người thiệt mạng.

Ở tuổi U70 như tôi, tôi không sợ chết nhưng không muốn chết vô lý như thế. Đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi lần chen chúc đi chùa Bà (Bình Dương) vào rằm tháng Giêng hơn 30 năm trước. Lúc đó, dòng xe kẹt cứng, không thể nhúc nhích trên cầu Bình Triệu, đến nỗi ô tô không thể mở cửa được. Dòng xe bất động hàng giờ, âm thanh hỗn độn. Tôi sợ cầu sẽ sập. May mắn là mấy giờ sau, tôi cũng thoát được cảnh này. Từ đó, tôi thề sẽ không đi chùa chen chúc nữa.

Lại có vài lần đi xem pháo hoa lúc giao thừa, người chen nhau ngộp thở, tôi phải cõng con lên cổ. Đám đông dồn lại ngày càng lớn, may mà chưa có chuyện gì đáng tiếc. Tôi ngày càng ngại đám đông chen lấn vì không muốn tự biến mình thành nạn nhân.

Tôi quyết định “tầm sư học đạo”, trước là để cứu mình, sau là giúp ích cho cộng đồng. May mắn thay dịp này lớp “Sơ Cấp cứu và Kỹ năng sinh tồn” do SSVN (Survival Skills Viet Nam) tổ chức diễn ra. Lớp do chuyên gia nước ngoài huấn luyện. Tôi nhanh chóng ghi danh nhưng cũng phải chờ hai tuần mới đến lượt.

Già trẻ học chung rôm rả

Tuổi già đi học, tôi vẫn háo hức nên tranh thủ đến sớm làm quen. Lớp học toàn các bạn trẻ, có mấy bạn nhí, cỡ lớp 2, lớp 3. Có hai ông già U70 là thầy Tony Coffey, giám đốc Huấn luyện SSVN, 65 tuổi và tôi, hơn thầy 2 tuổi. Thầy Tony Coffey cũng là chuyên gia hàng đầu thuộc Hiệp Hội Cứu hộ Sydney và Học viện Cứu hộ bang New South Wales (Úc).

Giảng viên hướng dẫn cách xử lý thoát hiểm khi bị chồng, đạp.

Giảng viên hướng dẫn cách xử lý thoát hiểm khi bị chồng, đạp.

Lớp học ấm cúng, thân mật, cứ như đại gia đình tam đại đồng đường. Thầy Tony nhìn trẻ hơn rất nhiều, có lẽ nhờ môi trường luôn được làm việc với các bạn trẻ, nhiệt huyết, giỏi giang. Lớp có 20 học viên, đa phần 8X, 9X. Có ba bạn đang học phổ thông, hai bạn lớp 1, một bạn lớp 3. Ba bạn nhí đi theo ba mẹ học "ké" vì chủ nhật, ở nhà không ai trông. Học chung với các bạn trẻ, tôi thấy mình cũng trẻ ra, lắm lúc quên béng tuổi già.

Từng dạy đại học và tham dự chương trình huấn luyện của Trung tâm Huấn luyện Sơ cấp cứu và Phòng chống Thảm họa TP.HCM (thành lập 2007), tôi vẫn nhớ các sinh viên đều cho rằng “Sơ cấp cứu là môn học ngắn nhất nhưng hữu ích, thiết thực nhất suốt 4 năm đại học”. Đến với lớp học này, tôi vẫn bất ngờ về nội dung lẫn phương pháp truyền dạy. Trước giờ lên lớp, học viên được cho làm bài trắc nghiệm kiến thức về sơ cấp cứu.

Chương trình SSVN luôn cập nhật mới nhất từ Ủy ban Liên lạc Quốc tế về Hồi sức (International Liaison Committee on Resuscitation - ILCOR).

Đội ngũ thực giảng uy tín, được đào tạo từ nước ngoài. Nội dung thực tiễn, thao tác khoa học, vận dụng phong phú. Đặc biệt là cách truyền cảm hứng của thầy Tony, giản dị, dí dỏm và rất sư phạm. Không tập huấn mà cầm tay chỉ việc thực hành, lặp đi, lặp lại.

Nhà báo Phạm Tuấn Nghĩa, đi học cùng hai con (đang học lớp 1 và lớp 3) tâm sự: “Lớp học quá hay, giúp học viên nắm rõ các nguyên tắc SCC – Bảo tồn sự sống nạn nhân – Ngăn tình hình nạn nhân trở nên xấu hơn – Thúc đẩy việc hồi phục của nạn nhân – Bảo vệ nạn nhân khỏi các nguy hiểm khác. Cùng với đó là ưu tiên và thứ tự xử lý thương tích đến định vị tư thế nạn nhân (còn tỉnh và bất tỉnh)". Anh Nghĩa tâm đắc các nội dung: hồi sức tim phổi đến sơ cứu tình huống đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngưng tim đột ngột, dấu hiệu nhận diện đột quỵ FAST (Face, Arms, Speech, Time)…

Học viên nhí thực hành ép tim và thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) tại lớp.

Học viên nhí thực hành ép tim và thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) tại lớp.

Devin Kurtis Bond (Mỹ), học viên nước ngoài duy nhất trong lớp chia sẻ hứng thú với cách xử lý các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống như: hóc dị vật và thực phẩm, mất máu, chảy máu cam, nhận diện shock, sơ cứu đuối nước, các loại bỏng, sơ cứu vết cắn của chó, sứa, cá có ngạnh... Anh cũng tâm đắc với cách hướng dẫn thoát hiểm khỏi các đám đông chen lấn, giẫm đạp, đám cháy, sơ đồ thoát hiểm từng gia đình.

Devin hỏi thầy Tony bằng tiếng Anh nhưng thảo luận và thực hành, nói tiếng Việt như người Việt, dù ở Việt Nam chưa đầy 5 năm. Devin nói vui: “Học ngoại ngữ nhanh nhất là lấy vợ nói ngoại ngữ mình muốn học. Tiếc là tôi muốn học nhiều ngoại ngữ nhưng vợ chỉ lấy được một vợ”. Devin đang là giáo viên tiếng Anh và cùng vợ mở công ty lữ hành ở TP.HCM.

Các học viên thực hành kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn giao thông tại lớp.

Các học viên thực hành kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn giao thông tại lớp.

Biến nội dung khô khan thành hấp dẫn

Bạn Đặng Ngọc Tin, cựu sinh viên Đại học Hutech kể: “Hồi sinh viên, em có học SCC nhưng chủ yếu lý thuyết, giờ học lại em thấy mới thấm. Em rất thích phần thực hành, nhất là phần thực hành sinh tồn giữa thảm họa và các câu hỏi tình huống".

Về phần ba học viên nhí, dù dự khán nhưng cũng tham gia thực hành sôi nổi, đóng vai trẻ bị tai nạn.

Bé Tin, học lớp 3, con trai nhà báo Phạm Tuấn Nghĩa, luôn miệng hỏi ba: “Chừng nào có lớp SCC của tụi con?” (lớp dành riêng cho trẻ dưới 10 tuổi). Bé Tin "nhỏ mà có võ”, có thể bơi liên tục 40 vòng hồ bơi (hơn 1 km) và tự chèo thuyền sub vượt sông. Ba học viên nhí mê nhất là môn sơ cấp cứu búp bê (trẻ sơ sinh).

Cái hay của giáo viên và các trợ giảng là biến nội dung khô khan thành hấp dẫn với phần thực hành sinh động, đầy ắp tiếng cười, dù khoảng cách thế hệ đến 6 thập niên (7 – 67 tuổi). Giờ giải lao, học viên tranh thủ hỏi thêm thầy hoặc thực hành với nhau. Tan lớp, nhiều bạn vẫn nán lại, rôm rả bàn luận.

Kết thúc lớp, học viên được cấp “Giấy Chứng nhận hoàn thành lớp Huấn luyện Sơ cấp cứu & Hồi sinh tim phổi cơ bản” của SSVN kèm “Sổ tay hướng dẫn SCC & thoát hiểm” cấp độ 1. Sổ tay giúp học viên hệ thống các nội dung và thao tác đã học với nhiều hình ảnh minh họa đẹp, sống động. Học xong, đọc mới thấy hết giá trị.

Các học viên được cấp “Giấy Chứng nhận hoàn thành lớp Huấn luyện Sơ cấp cứu & Hồi sinh Tim Phổi Cơ bản” của SSVN kèm “Sổ tay Hướng dẫn SCC & thoát hiểm” cấp độ 1 sau khóa học.
Các học viên được cấp “Giấy Chứng nhận hoàn thành lớp Huấn luyện Sơ cấp cứu & Hồi sinh tim phổi cơ bản” của SSVN kèm “Sổ tay Hướng dẫn SCC & thoát hiểm” cấp độ 1 sau khóa học.

SSVN có nhiều hoạt động kỹ năng sinh tồn hướng về cộng đồng, nhất là những người khuyết tật. Học phí linh động tùy số lượng người học. Theo tôi, phần phòng chống thảm họa nên tách thành lớp riêng. Tôi ước các bạn nhỏ Việt Nam ai cũng như bé Tin, 3 tuổi bơi giỏi, 9 tuổi rành SCC, học chữ, học võ đều giỏi.

Chứng nhận SSVN là một trong những ISO vào đời của tuổi trẻ Việt Nam, đặc biệt khi lập gia đình. U70 đi học SCC, vẫn háo hức suốt 8 tiếng và khỏe re. Tôi sẽ học thêm các lớp kỹ năng sinh tồn thiết thực để giúp mình và góp phần giúp đời. Các bạn trẻ, tại sao không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm