Tại hội nghị tổng kết hai năm triển khai thực hiện Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về “kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” do Bộ GTVT tổ chức chiều 19-12-2017, đại diện taxi Vinasun cho rằng Quyết định 24 đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành vận tải taxi, phá vỡ quy hoạch giao thông, gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế và làm ảnh hưởng tới đời sống một bộ phận lớn người lao động.
Khái niệm bị đánh tráo?
Sau đó, ngày 26-12-2017, taxi Vinasun đã gửi công văn tới Bộ GTVT kiến nghị xem xét hủy bỏ Quyết định 24 và đề nghị thực hiện quản lý hoạt động Grab, Uber như hoạt động vận tải taxi.
Trong công văn gửi Bộ GTVT, Vinasun khẳng định bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, do đó cần định danh Grab, Uber là dịch vụ vận tải taxi. “Sử dụng dịch vụ Grab, Uber, người tiêu dùng không thể tìm ra được nội dung hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mỗi chuyến đi. Câu hỏi đặt ra là: Ai ký với ai? Nội dung hợp đồng như thế nào? Hợp đồng lưu ở đâu cũng không thể tìm ra? Không chỉ người dùng, cả hai hãng Uber, Grab đều không đưa ra được hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mọi người xem” - văn bản của Vinasun gửi Bộ GTVT viết. Từ đó, Vinasun cho rằng “hợp đồng điện tử là khái niệm vận tải taxi bị đánh tráo”.
Một diễn biến khác, ngày 20-12-2017, Tòa án Công lý châu Âu đã phán quyết coi Uber là một công ty vận tải taxi. Đối chiếu với thực tiễn tại Việt Nam thì Grab, Uber chính là công ty vận tải taxi không sở hữu phương tiện.
Như vậy, hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết chứ không phải là mô hình kinh doanh và không đúng quy định về xe hợp đồng. Hình thức vận tải kết nối qua phần mềm của Grab, Uber không có đủ yếu tố cấu thành của một hợp đồng vận tải nên không thể xếp vào hình thức vận tải hợp đồng.
Theo bộ trưởng Bộ GTVT, tới đây sẽ bảo đảm điều kiện cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống với Grab, Uber. Ảnh: Hoàng Giang
Và những bất cập
Kiến nghị của Vinasun cũng đề cập đến việc thí điểm đề án đã gây ra “bùng nổ” xe chạy theo hợp đồng công nghệ, mặc dù trước đó các địa phương khuyến cáo nhiều lần vì tình trạng giao thông quá tải ở các địa phương. Trong khi đó, Grab, Uber vẫn liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi, thưởng tài xế để chiêu mộ lái xe. Kết quả là trong một thời gian ngắn, số lượng ô tô cá nhân tăng chóng mặt. Trong khi số lượng taxi chính thống luôn bị giới hạn theo quy hoạch.
Thêm vào đó, Uber và Grab sau khi chiếm lĩnh thị trường đã siết chặt thưởng tài xế, tăng phí sử dụng phần mềm từ 20% lên 25%, gây ảnh hưởng lên người lao động. Các tài xế đã đầu tư xe không thể dừng, vẫn phải chạy xe để kiếm sống, trả nợ ngân hàng. Còn phía các công ty taxi chính thống cũng bị giảm số lượng khách, giảm đầu xe, nhiều doanh nghiệp không đủ tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Kết cục doanh nghiệp, tài xế taxi chính thống và người lái xe Grab, Uber đều rơi vào cảnh khó khăn, ảnh hưởng nhiều tới đời sống, thu nhập, việc làm của họ.
Việc đưa Uber, Grab về đúng bản chất loại hình dịch vụ sẽ giải quyết không cần bổ sung khung pháp lý mới (pháp luật hiện hành về vận tải và thương mại điện tử đã quy định đầy đủ), đem lại bình đẳng trong kinh doanh, bảo vệ tốt quyền lợi khách hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ thuế... (Trích văn bản do ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, ký gửi Bộ GTVT) |
Cần xem lại tính pháp lý
Tổng cục Thuế cũng vừa cho biết số thuế GrabTaxi nộp trong kỳ kinh doanh 2014-2016 là 9,5 tỉ đồng, bằng 1/130 số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian là 1.200 tỉ đồng. Kinh doanh cùng một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, có số xe chỉ bằng 1/6 số xe của GrabTaxi nhưng Vinasun lại nộp thuế cao hơn Grab gấp 130 lần. Có thể nói chính sách thuế hiện hành tỏ ra bất cập trong trường hợp này.
Trong quyết định thanh tra thuế của Cục Thuế TP.HCM, Uber bị yêu cầu truy thu 66,68 tỉ tiền thuế. Đến nay, Uber vẫn chưa nộp số tiền trên. Như vậy, cả hai doanh nghiệp Grab, Uber đều vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thuế. Căn cứ theo luật thì trường hợp một doanh nghiệp đã vi phạm luật thuế có nên buộc phải bị đình chỉ?
Vinasun cũng kiến nghị thêm, Bộ GTVT cần xem xét lại tính pháp lý của hoạt động Grab và Uber tại Việt Nam với các vấn đề như Grab là doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; có phải là công ty con của công ty mẹ Grab Malaysia…
Phải cạnh tranh công bằng Phát biểu tại hội nghị tổng kết của cơ quan Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngày 2-1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết, coi các dịch vụ sử dụng ứng dụng di động để kết nối giữa tài xế có phương tiện di chuyển cá nhân và những người có nhu cầu đi lại về bản chất phải được coi là dịch vụ vận tải. “Điều đó có nghĩa là Uber, Grab kinh doanh dịch vụ vận tải như một hãng taxi chứ không còn là một công nghệ như hãng này vẫn nói. Vậy nên hiện nay chúng ta cần đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các loại hình vận tải” - ông Thể nhấn mạnh. |