Hôm nay, xử lại “vụ ĐH Hùng Vương”

UBND cấp tỉnh có quyền không công nhận hiệu trưởng

Theo kế hoạch thì hôm nay (20-1), TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính về việc không công nhận hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương” với người khởi kiện là ông Lê Văn Lý (nguyên Hiệu trưởng trường). Điều gây thắc mắc cho nhiều người và cũng là điểm mấu chốt cần được tòa án làm rõ trong vụ án này, đó là UBND TP.HCM - bên bị kiện - có quyền ban hành quyết định không công nhận hiệu trưởng trường ĐH tư thục hay không.

Ban hành quyết định sau nhiều lần tháo gỡ bất thành

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 5-2010, Trường ĐH Hùng Vương được chuyển đổi từ ĐH dân lập Hùng Vương. Trong quá trình hoạt động, nhóm của Hiệu trưởng Lê Văn Lý và nhóm của chủ tịch HĐQT nhà trường phát sinh mâu thuẫn trầm trọng. Với tư cách là cơ quan quản lý về mặt nhà nước, UBND TP đã chỉ đạo thanh tra toàn bộ hoạt động của trường.

Ngày 14-2-2012, Thanh tra TP có kết luận khẳng định trường có nhiều sai phạm trong tổ chức quản lý của HĐQT và cá nhân Hiệu trưởng Lý. Gồm có: Sai phạm về công tác tuyển sinh đào tạo, về các cơ sở đào tạo, quản lý tài chính, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, không chấp hành nghị quyết của HĐQT.

UBND TP.HCM cũng đã không công nhận ông Nguyễn Đăng Dờn là hiệu trưởng của Trường ĐH Hùng Vương theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường được xác định là không hợp lệ ngày 26-6-2013. Ảnh: QUỐC DŨNG

Ngày 14-6-2013, dựa trên kết luận của Thanh tra TP, hồ sơ đề nghị bãi nhiệm chức vụ hiệu trưởng của HĐQT nhà trường và sau nhiều biện pháp tháo gỡ không có kết quả, UBND TP đã ra quyết định không công nhận hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương đối với ông Lý. Đồng thời, UBND TP yêu cầu ông bàn giao nhiệm vụ, con dấu, hồ sơ sổ sách và giấy tờ liên quan cho HĐQT nhà trường. Quyết định này nêu: Trong thời gian làm hiệu trưởng, ông Lý đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của trường, nhất là đối với các sinh viên và cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, ông Lý còn phát tán các tài liệu trái pháp luật trong trường.

Tại đơn khởi kiện và trong các phiên tòa đã diễn ra trước đây, ông Lý cho rằng chỉ có Bộ GD&ĐT mới có thẩm quyền ra quyết định “không công nhận hiệu trưởng”. Do chỉ là cơ quan quản lý địa phương nên UBND TP không có quyền này. Ông Lý cũng nêu vì ông chưa làm xong nhiệm kỳ được bổ nhiệm nên việc UBND TP ban hành quyết định không công nhận ông là hiệu trưởng cũng sai.

Thế nhưng theo điểm c khoản 5 Điều 6 Nghị định 115 ngày 24-12-2010 của Chính phủ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và quyết định công nhận hay không công nhận HĐQT, chủ tịch HĐQT, hiệu trưởng trường ĐH tư thục trên địa bàn (theo quy chế do Chính phủ ban hành) thuộc UBND cấp tỉnh. Chưa kể, trước đó UBND TP đã có công văn trao đổi với Bộ GD&ĐT và Bộ cũng chấp thuận việc UBND TP ra quyết định không công nhận hiệu trưởng.

Cụ thể, khoản 2 Công văn 981 ngày 6-2-2013 của Bộ GD&ĐT lưu ý: “Việc quyết định không công nhận hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương là thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM. Bộ sẽ cùng phối hợp với UBND TP giải quyết dứt điểm tình hình mất ổn định tại trường”.

Ngoài quy định đã nêu trên của Nghị định 115/2010, cơ sở pháp lý để Bộ ra công văn này còn là Nghị định 32/2008 của Chính phủ (quy định về nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT). Đó là “phải hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục”.

Tại phiên xử trước đây (ngày 3 và 4-12-2013), đại diện UBND TP tham gia tố tụng cũng cho biết sau khi phát hiện những sai phạm của ông Lý, UBND TP đã gửi các văn bản yêu cầu ông phải sửa sai và tự kiểm điểm trong cuộc họp đại hội cổ đông toàn trường nhưng ông không làm. UBND TP đã từng làm nhiều việc để cùng trường giải quyết khó khăn khúc mắc nhưng sự việc ngày càng trầm trọng. Đến khi UBND TP tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng và yêu cầu bàn giao con dấu cùng những việc liên quan cho người khác thì ông Lý cũng làm lơ. Cuối cùng, UBND TP phải ra quyết định hành chính nêu trên, sau khi đã lấy ý kiến và được sự đồng ý của các thành viên HĐQT nhà trường. Do vậy, UBND TP có đầy đủ thẩm quyền và được sự nhất trí của Bộ GD&ĐT cũng như HĐQT nhà trường trong việc ban hành quyết định không công nhận hiệu trưởng đối với ông Lý.

Không phải kỷ luật

Khi khởi kiện, ông Lý cho rằng quyết định của UBND TP yêu cầu ông bàn giao nhiệm vụ, con dấu, hồ sơ sổ sách và giấy tờ liên quan cho HĐQT là sai. Bởi đây là công việc của nội bộ HĐQT nhà trường, UBND TP không có thẩm quyền định đoạt. Trường ĐH Hùng Vương thuộc Bộ GD&ĐT nên UBND TP không thể áp dụng các biện pháp chế tài như một hình thức kỷ luật.

Về vấn đề này, đại diện UBND TP tham gia tố tụng cho biết UBND TP đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ pháp luật giao chứ không có ý dùng mệnh lệnh hành chính để kỷ luật ông Lý. UBND TP có đầy đủ thẩm quyền và cơ sở pháp lý để đưa ra những yêu cầu nêu trong quyết định.

Thứ nhất, HĐQT của Trường ĐH Hùng Vương là hợp pháp, là đơn vị duy nhất điều hành mọi hoạt động của trường. Điểm d khoản 2 Điều 17 Luật Giáo dục ĐH và khoản 6 Điều 1 Quyết định 63/2011 của Thủ tướng Chính phủ (về quy chế của trường ĐH tư thục) quy định: “HĐQT có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định các vấn đề về tổ chức, nhân sự của trường”. Khoản 5 Điều 11 Quyết định 61/2009 của Thủ tướng Chính phủ (quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT) cho phép HĐQT đề xuất với cấp có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng. Do vậy, việc HĐQT Trường ĐH Hùng Vương lập hồ sơ đề nghị UBND TP (là cơ quan quản lý về mặt nhà nước) ra quyết định không công nhận tư cách hiệu trưởng của ông Lý là phù hợp.

Thứ hai, hồ sơ đề nghị trên hoàn toàn hợp pháp và chặt chẽ. Bởi lẽ hồ sơ thể hiện biên bản họp HĐQT là hợp lệ, tỉ lệ biểu quyết quá bán thể hiện sự nhất trí cao của HĐQT về việc thôi công nhận hiệu trưởng với ông Lý.

Việc bàn giao con dấu cho HĐQT cũng phù hợp với điểm c khoản 8 Điều 1 Quyết định 63/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Vì kể từ khi có quyết định không công nhận hiệu trưởng của UBND TP thì ông Lý không còn là hiệu trưởng của Trường ĐH Hùng Vương nữa. Bấy giờ, việc quản lý, sử dụng con dấu phải tuân theo khoản 4 Điều 6 Nghị định 58/2001 của Chính phủ: “người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu của mình”.

Quyết định của UBND TP còn cho rằng ông Lý có hành vi phát tán tài liệu trái pháp luật trong toàn trường. Ông Lý phủ nhận việc này. Song UBND TP cho biết mình dựa vào công văn báo cáo khẩn ngày 2-5-2013 của HĐQT nhà trường gửi cho UBND TP về việc ông Lý thành lập hội đồng tư vấn bảo trợ trái quy định và phát tán các tài liệu trái luật trong trường. Đây là văn bản chính thức của HĐQT và theo điểm c khoản 9 Điều 1 Quyết định 63/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì khi phát tán các tài liệu đó với tư cách là hiệu trưởng thì ông Lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước HĐQT và pháp luật.

SONG NGUYỄN

Trường đã có con dấu mới

Sáng 13-1, Bộ Công an đã bàn giao con dấu mới cho HĐQT nhà trường. Theo đó, nhà trường đã nhận con dấu nổi và dấu ướt kèm theo giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu. Lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép họ sử dụng con dấu để giao dịch với ngân hàng nhằm giải quyết các vấn đề tài chính cấp thiết và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho sinh viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm