Xét xử vụ “ĐH Hùng Vương”

UBND TP.HCM rất thận trọng khi ra quyết định

Hôm qua (20-1), TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lại vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính về việc không công nhận hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương”. Người khởi kiện là ông Lê Văn Lý (nguyên hiệu trưởng trường) yêu cầu tòa xử bác quyết định. Người bị kiện là UBND TP.HCM đề nghị tòa giữ nguyên quyết định… Tòa tiếp tục tiến hành kỹ phần hỏi trước khi phần tranh luận giữa các bên diễn ra khá căng thẳng với nhiều lần đối đáp qua lại. Cuối buổi chiều, tòa tuyên bố nghị án kéo dài và chiều nay sẽ tuyên án.

Người khởi kiện: “Tôi không vi phạm, chỉ sai sót”

Tại tòa, ngoài việc tự trình bày yêu cầu khởi kiện của mình, ông Lý còn ủy quyền cho hai người nữa đại diện trình bày. Như ở những phiên tòa trước, phía ông Lý cho rằng quyết định của UBND TP về việc không công nhận hiệu trưởng đối với ông sai về trình tự thẩm quyền và nội dung trái pháp luật. Với quyết định đó, UBND TP đã làm thay thẩm quyền của Bộ GD&ĐT vì Bộ bổ nhiệm ông làm hiệu trưởng cho tới năm 2015 mới hết nhiệm kỳ. Phía ông Lý còn cho rằng căn cứ ra quyết định không đúng vì không vạch rõ được các sai phạm cụ thể của ông. Những việc làm của ông chỉ là sai sót chứ không phải sai phạm đến mức bị cho thôi chức.

Đại diện UBND TP tham gia tố tụng tái khẳng định cơ sở pháp lý để ra quyết định trên là các quy định nêu tại điểm c khoản 5 Điều 6 Nghị định 115 ngày 24-12-2010 của Chính phủ. Theo đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và quyết định công nhận hay không công nhận HĐQT, chủ tịch HĐQT, hiệu trưởng trường ĐH tư thục trên địa bàn (theo quy chế do Chính phủ ban hành) thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Toàn cảnh phiên xử sơ thẩm ngày 20-1. Ảnh: S.NGUYỄN

Trả lời câu hỏi của đại diện VKS về giá trị pháp lý của Nghị định 115, đại diện UBND TP cho rằng Nghị định 115 thể hiện sự phân cấp trong quản lý nhà nước về giáo dục. Thay vì Bộ GD&ĐT quản lý hết các trường như trước đây thì từ khi có nghị định này UBND cấp tỉnh có một số thẩm quyền nhất định đối với các trường tư. Theo một số văn bản khác thì hiện Bộ vẫn có thẩm quyền hủy bỏ quyết định công nhận hiệu trưởng, còn Nghị định 115 cho phép UBND cấp tỉnh công nhận hoặc không công nhận hiệu trưởng. Với tiêu đề là không công nhận hiệu trưởng, quyết định của UBND TP thể hiện đúng tinh thần của Nghị định 115 về thẩm quyền và giá trị áp dụng. UBND TP không vô hiệu hóa quyết định bổ nhiệm của Bộ và cũng không có văn bản nào quy định chỉ Bộ GD&ĐT mới có quyền quyết định “danh phận” của hiệu trưởng.

Cũng theo UBND TP, những sai phạm của ông Lý thể hiện rõ qua ba lần thanh tra (của Bộ GD&ĐT, thanh tra thuế và thanh tra của UBND TP) cho nên ông không đủ tiêu chuẩn để làm hiệu trưởng nữa. Khi ra quyết định, UBND TP rất thận trọng đánh giá sau nhiều tháo gỡ bất thành và căn cứ vào nhiều cơ sở chứ không đơn thuần dựa vào đề xuất của HĐQT nhà trường. Thậm chí UBND TP còn tham vấn ý kiến của Bộ GD&ĐT và Bộ cũng đồng ý.

Theo UBND TP, tại kết luận thanh tra của TP, ông Lý có sai phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý tài chính, cơ sở đào tạo, không chấp hành nghị quyết của HĐQT. Bổ sung ý này, luật sư của một thành viên HĐQT cho biết thời ông Lý làm hiệu trưởng, trường từng bị truy thu hơn 3 tỉ đồng tiền thuế vì không thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế. Bộ GD&ĐT từng ra quyết định phạt hành chính nhà trường 60 triệu đồng sau khi có kết luận thanh tra. Từ đó, đại diện UBND TP cho rằng không thể nói những hành vi trên của ông Lý chỉ là sai sót mà là những vi phạm nghiêm trọng. Đối với một cơ sở đào tạo thì không thể chấp nhận có sự vi phạm về công tác tuyển sinh, vì đó là sự sống còn của nền giáo dục.

“Nóng” chuyện con dấu, phát tán tài liệu

Đại diện UBND TP lưu ý: Khi có quyết định không công nhận hiệu trưởng, tức ông Lý không còn là hiệu trưởng thì ông phải bàn giao con dấu cho chủ sở hữu là HĐQT. Trong bối cảnh cần giải quyết những bất ổn, việc UBND TP yêu cầu ông Lý bàn giao con dấu là phù hợp. Đây không phải là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của HĐQT nhà trường như nhìn nhận của ông Lý trong nội dung khởi kiện. Chính xác là UBND TP đang thực hiện chức năng quản lý giáo dục mà mình được phân cấp.

Trong phần hỏi, ông Lý cho rằng các nghị quyết và văn bản mà HĐQT gửi hồ sơ đề nghị UBND TP ra quyết định không công nhận ông là hiệu trưởng không có giá trị vì không được đóng dấu. Ngược lại, sáu trong số 10 thành viên HĐQT nói khi bị tạm đình chỉ chức vụ, ông Lý đã chỉ đạo cấp dưới cố tình giữ con dấu không bàn giao nên họ mới không đóng được. Khi UBND TP ra quyết định không công nhận hiệu trưởng và yêu cầu giao con dấu cho HĐQT thì ông Lý nhiều lần hứa hẹn nhưng không làm.

Tòa hỏi: “Sao không bàn giao dấu theo cam kết”, ông Lý đáp ông “phải giao cho hiệu trưởng được bầu chọn bằng HĐQT hợp pháp”. Tòa vặn: “Nhưng ông phải còn chức thì mới bàn giao được chứ chờ lúc không còn là hiệu trưởng nữa thì sao mà thực hiện nghĩa vụ bàn giao…”.

Phía ông Lý yêu cầu các thành viên HĐQT làm rõ việc họ đã báo cáo cho UBND TP ông có hành vi phát tán tài liệu chính trị trái pháp luật. Theo ông Lý, đây là sự vu khống nhằm xúc phạm và hạ thấp uy tín cá nhân ông. Đáp lại, sáu thành viên HĐQT cho rằng căn cứ để họ báo cáo là một bài viết có nội dung trái với nghị quyết Đảng bộ của nhà trường đã ban hành. Nó được đăng tải công khai trên trang web và mạng nội bộ của trường và nếu không được sự chấp thuận của ông Lý thì chắc chắn nó không xuất hiện. Với vai trò là bí thư Đảng ủy và hiệu trưởng nhà trường thì ông Lý phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Do đó, HĐQT mới báo cáo sai phạm này cho UBND TP để “làm một trong những căn cứ ra quyết định không công nhận hiệu trưởng”.

SONG NGUYỄN - NGUYỄN HIỀN

 

Không có nguyên tắc ắt sẽ loạn

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM và cả nước có rất nhiều trường tư thục hoạt động theo mô hình HĐQT. Nếu các thành viên trong HĐQT không chấp hành đúng các quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền của HĐQT thì sẽ tạo ra tình trạng tranh chấp rối loạn như trong vụ án này. Đây là vụ tranh chấp đầu tiên tại TP.HCM sau khi có sự phân cấp quản lý giáo dục tạo ra sự lộn xộn kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều người. Vì thế, nói gì thì nói khi giải quyết UBND TP cũng phải đặt ổn định về giáo dục và đảm bảo quyền lợi của sinh viên lên hàng đầu.

Đại diện UBND TP.HCM phát biểu tại tòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm