Pháp luật thì đang thiếu các quy định cụ thể về chế tài đối với người có trách nhiệm nên người thắng kiện phải chịu thiệt thòi…
Những ngày này, bà TTDT đang đôn đáo chạy khắp nơi để khiếu nại quyết định trả lời của UBND quận 7 (TP.HCM) về chuyện không cấp lại giấy hồng cho bà theo một bản án đã có hiệu lực từ ba năm nay của TAND TP.HCM.
Tòa tuyên mặc tòa…
Trước đây, năm 2004, bà T. xin cấp giấy hồng cho căn nhà rộng 32 m2 tại phường Tân Thuận Tây. Một năm sau, UBND quận cấp bản sao giấy hồng (bản chính UBND quận giữ) cho bà T. nhưng chỉ công nhận phần diện tích 18 m2. Phần hơn 14 m2 còn lại, UBND cho rằng đó là đất công (đường đi), nếu muốn được công nhận thì bà T. phải đóng tiền sử dụng đất.
Không đồng tình, bà T. khởi kiện UBND quận 7. Xử sơ thẩm, TAND quận 7 đã bác yêu cầu khởi kiện của bà nên bà kháng cáo. Năm 2008, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, nhận định việc UBND quận 7 buộc bà T. phải nộp tiền sử dụng hơn 14 m2 đất còn lại mới cấp giấy là chưa phù hợp. Tòa tuyên sửa án sơ thẩm, buộc UBND quận 7 phải hủy giấy hồng cũ để cấp lại giấy mới cho bà T. theo hướng công nhận toàn bộ diện tích 32 m2.
Đầu năm 2009, Chi cục Thi hành án quận 7 đã ra quyết định thi hành án nhưng từ đó đến nay, vụ việc giậm chân tại chỗ vì UBND quận 7 không chịu thi hành. Bà T. liên tục khiếu nại đến cơ quan thi hành án và các cơ quan có thẩm quyền nhưng không ai giải quyết. Bà lên UBND quận hỏi thì UBND quận vẫn cho rằng theo Công văn số 2540 ngày 15-7-2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì bà T. vẫn phải nộp tiền sử dụng đất với 14 m2 còn lại mới được cấp giấy hồng mới. Đến ngày 16-5 vừa qua, UBND quận 7 tiếp tục gửi công văn trả lời khiếu nại cho bà T., nội dung từ chối cấp giấy hồng mới với lý do trên.
Cương quyết không chịu thi hành án
Vụ khác, giữa năm 2001, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thu hồi hơn 30.000 m2 đất nông nghiệp của vợ chồng ông D. nhưng không bồi thường mà chỉ hỗ trợ một lần giá đất và bồi thường hoa màu, vật kiến trúc trên đất. Bị khiếu nại, tháng 4-2007, UBND tỉnh này ra quyết định hỗ trợ bổ sung thêm cho ông D. Cho rằng UBND tỉnh áp giá và xác định vị trí loại đường để bồi thường chưa đúng, ông D. tiếp tục khiếu nại, kết quả là UBND tỉnh điều chỉnh nâng tổng kinh phí bồi thường lên. Vẫn chưa chịu, ông D. khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh hủy cả hai quyết định hành chính trên.
Năm 2008, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của ông D. nên ông kháng cáo. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng việc đền bù của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là không đúng pháp luật nên hủy cả hai quyết định của ủy ban.
Bản án có hiệu lực pháp luật. Ông D. nhiều lần gửi đơn đến UBND tỉnh yêu cầu thi hành nhưng không được giải quyết. Phía UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiên quyết đề nghị xem xét giám đốc thẩm dù cả TAND Tối cao lẫn VKSND Tối cao đều lần lượt khẳng định rằng tòa phúc thẩm xử đúng nên không có căn cứ kháng nghị. Thậm chí năm 2009, phó thủ tướng Chính phủ có công văn yêu cầu UBND tỉnh báo cáo việc thi hành bản án trên nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.
Án không được tôn trọng, khắc phục sao?
Theo các chuyên gia, sở dĩ việc thi hành án đối với UBND gặp khó khăn là bởi pháp luật chưa quy định cụ thể về chế tài đối với người có trách nhiệm. Cạnh đó, rõ ràng từ các vụ việc chây ì thi hành án cho thấy ý thức thượng tôn pháp luật của một số lãnh đạo UBND chưa cao. Mặt khác, bản thân cơ quan thi hành án và chấp hành viên đều có tâm lý ngán ngại khi “đụng” đến chính quyền địa phương theo địa hạt.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao) phân tích: Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây chỉ nói chung chung là các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có UBND phải có trách nhiệm thi hành án. Pháp lệnh thiếu hẳn một cơ chế rõ ràng để xử lý kỷ luật hay chế tài những người có trách nhiệm của cơ quan bị thua kiện mà chây ì không chịu thi hành án. Đến Luật Tố tụng hành chính hiện nay có hai điều luật (247, 248) nói về việc xử lý vi phạm khi không thi hành án. Nhưng các điều luật vẫn còn chung chung theo kiểu: “Tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Thực tế, nếu chủ tịch UBND cố tình không thi hành án thì không ai biết cơ quan nào sẽ phải đứng ra yêu cầu xử lý họ.
Để khắc phục, Thẩm phán Hùng đề xuất luật phải quy định trách nhiệm giám sát thuộc về cơ quan quản lý cấp trên. Chẳng hạn, chủ tịch UBND cấp huyện không cấp giấy hồng cho người dân theo phán quyết của tòa thỉ chủ tịch UBND cấp tỉnh phải yêu cầu thực hiện. Nếu chủ tịch UBND tỉnh thua kiện nhưng không thi hành án thì Chính phủ phải yêu cầu. Trường hợp cấp dưới vẫn cố tình không chấp hành thì cấp trên tùy mức độ mà xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý hình sự.
Nhiều lần được yêu cầu, vẫn làm lơ Cho rằng mình bị thu hồi đất trái luật, tháng 9-2011, bà NTT đã khởi kiện UBND một quận thuộc TP Hà Nội ra tòa. Xử phúc thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên hủy quyết định của UBND quận, buộc UBND quận phải bồi thường bằng tiền hoặc bán nhà chung cư cho bà T. Bản án có hiệu lực pháp luật, bà T. nhiều lần đề nghị UBND quận thi hành đều không được hồi âm. Nhiều lần bà trực tiếp liên hệ đều bị từ chối thẳng: “Lãnh đạo bận họp”. Bà T. làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận giải quyết, cơ quan này đã gửi nhiều công văn tới chủ tịch UBND quận yêu cầu thực hiện bản án nhưng chẳng ăn thua. Tinh thần thượng tôn pháp luật ở đâu? Người dân không thi hành án thì bị cưỡng chế, thậm chí có thể bị tù tội, còn cơ quan quản lý nhà nước chây ì thì chẳng sao cả. Sự công bằng ở đâu? Đó là chưa nói với cách hành xử đó, làm sao cơ quan quản lý nhà nước có thể làm tấm gương cho người dân về việc “sống và làm việc theo đúng pháp luật”? Theo tôi, tinh thần thượng tôn pháp luật của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước là quan trọng nhất. Nếu họ xem nhẹ, không tôn trọng pháp luật thì dù có thêm bao nhiêu quy định đi chăng nữa, các bản án hành chính cũng sẽ chỉ nằm trên giấy. Họ phải hiểu rằng trước pháp luật, dù là cá nhân hay tổ chức, pháp nhân đều bình đẳng như nhau. Luật sư HOÀNG KIM VINH, Không thể cưỡng chế Hiện nay, ngành thi hành án đang bó tay trong việc cưỡng chế cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương thi hành bản án hành chính. Cụ thể, nếu thi hành án về phần tài sản (ví dụ UBND phải bồi thường cho công dân), về lý thuyết có thể làm được (trích giữ ngân sách) dù thực tế thì ngược lại. Tuy nhiên, với việc cưỡng chế thi hành án để yêu cầu UBND thực hiện lại hành vi hành chính như thu hồi, hủy bỏ quyết định sai luật… thì hầu như không thể. Lý do là cơ quan thi hành án còn chịu sự chi phối của chính quyền, có khi chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND nắm giữ vai trò là trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự. Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang |
THANH TÙNG