Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quang Hồng (người đại diện cho mẹ là bà Phạm Thị Nhung) cho biết UBND quận Bình Tân (TP.HCM) đã có sai sót trong khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích của gia đình ông.
Một mảnh đất cấp cho hai người
Ông Hồng trình bày: Cuối năm 2008, mẹ của ông làm thủ tục kê khai mảnh đất tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân để làm giấy chứng nhận. Tất cả giấy tờ kê khai đều hợp pháp, nguồn gốc đất rõ ràng nên tháng 12-2008, mẹ của ông đã được UBND quận Bình Tân cấp giấy chứng nhận với diện tích sử dụng là 54,5 m2.
Cùng khoảng thời gian đó vợ chồng ông LVV cũng nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận. Đến tháng 10-2008, UBND quận đã cấp giấy chứng nhận cho vợ chồng ông V. với diện tích sử dụng 39,2 m2 đất.
Đến khoảng cuối năm 2012 thì ông Hồng mới phát hiện mảnh đất cấp cho mẹ mình đang được người khác chuẩn bị thi công xây dựng nên ông đã ngăn lại. Tìm hiểu ra ông mới biết miếng đất này đã được cấp cho vợ chồng ông V. và đã bán qua cho nhiều người.
Ông Hồng đã nhiều lần khiếu nại lên UBND quận Bình Tân để yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng ông V.
Tuy nhiên, vì giấy chứng nhận cấp cho vợ chồng ông V. đã chuyển nhượng cho nhiều người nên căn cứ vào Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND quận không có cơ sở thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Việc xử lý giấy chứng nhận đã cấp sẽ thực thiện theo quyết định hoặc bản án có hiệu lực của tòa án nên UBND quận hướng dẫn ông khởi kiện ra tòa.
“Quận có hướng dẫn như thế nên tôi đã rút đơn khiếu nại để khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận ra tòa án quận Bình Tân. Nhưng không lâu sau đó tòa Bình Tân đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện. Thành ra vụ việc của tôi không có cơ quan nào giải quyết, gần 10 năm nay đi khiếu nại cũng không đi tới đâu” - ông Hồng buồn rầu.
Nhiều năm nay ông Hồng phải đi khiếu nại để lấy lại mảnh đất đã cấp cho người khác trùng với đất của mẹ mình. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Quận: Sẽ xem xét, giải quyết
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Phước, Chánh án TAND quận Bình Tân, cho biết kể từ thời điểm bà Nhung biết được UBND quận Bình Tân cấp giấy chứng nhận cho người khác đến thời điểm khởi kiện đã quá một năm (luật quy định thời hiệu khởi kiện là một năm). Vì vậy, tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án là đúng luật.
Theo ông Phước, mặc dù không giải quyết được bằng vụ án hành chính nhưng để bảo vệ quyền lợi của mình, bà Nhung có thể khởi kiện vụ án dân sự trong đó kèm theo yêu cầu hủy giấy chứng nhận. Trên cơ sở đó TAND quận Bình Tân sẽ xem xét và giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Tháng 12-2019, chúng tôi gửi công văn đến UBND quận Bình Tân để tìm hiểu rõ hơn vụ việc. Ngày 5-3-2020 UBND quận Bình Tân có công văn trả lời.
Trong văn bản trả lời nêu rõ: Qua rà soát hồ sơ pháp lý liên quan và nội dung tại buổi làm việc giữa các chủ đất vào ngày 14-2 mới đây đã xác định một trong hai hộ dân trên đã thực hiện kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận chưa đúng với vị trí thực tế khi mua bán đất.
Vì vậy, UBND quận đề nghị các đơn vị chuyên môn, các bên liên quan xác định lại chính xác vị trí đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp với vị trí thực tế đang sử dụng. Trên cơ sở đó, các đơn vị thông tin lại cho UBND quận để xem xét, giải quyết.
Tồn tại một mảnh đất không có chủ sử dụng Đáng chú ý trong vụ việc này, trong khi mảnh đất của bà Phạm Thị Nhung cấp cho hai người thì ở phía kế bên mảnh đất bị cấp trùng hiện đang tồn tại một mảnh đất với diện tích tương tự và chưa xác định được chủ sử dụng đất là ai. Ông Nguyễn Quang Hồng cho biết đây chính là mảnh đất dẫn đến sự việc cấp chồng lấn nêu trên. Mặc dù cách đây hơn ba năm UBND phường Bình Trị Đông đã có động thái gắn biển thông báo tại khu đất này nhưng cho đến nay vẫn không có ai đến đăng ký kê khai, sử dụng. |