Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thông tin như trên tại buổi giám sát của HĐND về giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) trên địa bàn TP sáng 9-11.
Còn tồn hơn 17.000 trường hợp chưa được cấp giấy
Theo báo cáo của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT, hiện nay trên địa bàn TP còn khoảng 17.303 trường hợp tồn đọng, chưa được cấp GCN.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT báo cáo tại cuộc họp.
Trong đó tập trung vào bốn trường hợp: Chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-1-2008; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép; vi phạm về đất đai, xây dựng và các trường hợp còn lại liên quan đến nguồn gốc pháp lý đất đai không rõ ràng. “Đây cũng chính là những trường hợp người dân khiếu nại rất nhiều trong thời gian qua”, ông Thắng cho hay.
Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND đã nêu nhiều vấn đề yêu cầu TP giải trình và đưa ra giải pháp xử lý.
Cụ thể như, việc cấp GCN cho người dân trong các dự án chung cư; có sự khác nhau trong cách vận dụng pháp luật giải quyết cấp CGN ở các quận/huyện; các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân chuyển đến quận huyện nhưng không phải thẩm quyền thì chuyển lên cấp trên nhưng hiện nay được giải quyết ra sao; năng lực cán bộ ngành TNMT như thế nào…
Ba dạng vướng mắc liên quan đến cấp giấy nhà ở chung cư
Giải đáp các vấn đề của HĐND đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, những tồn đọng mà các đại biểu đặt ra là có.
Theo ông Tuyến, hơn 17.300 trường hợp chưa được cấp GCN là rất lớn. Trung bình mỗi tháng Ban Giám đốc Sở TNMT phải ký cấp GCN cho các trường hợp cấp lần đầu cho các tổ chức và cá nhân là khoảng 5.800 trường hợp.
Bên cạnh đó, hiện nay TP cũng đang phải rà soát hơn 2.000 dự án có trong kế hoạch sử dụng đất. Do đó, khối lượng công việc TP hiện phải đảm nhận là rất lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến
Liên quan đến việc cấp GCN cho các dự án trên địa bàn TP, theo ông Tuyến, trong 107 dự án trên toàn TP đang trong diện cấp GCN có khoảng hơn 103.000 hồ sơ. Trong số đó, đã nộp hồ sơ cho TP hơn 71.000 hồ sơ và đã giải quyết cấp trên 56.000 trường hợp.
Ông Tuyến nêu ra ba dạng vướng mắc liên quan đến cấp giấy cho các dự án. Cụ thể, đối với dạng ký hợp đồng ba bên, nghĩa là chủ đầu tư bán cho người mua, khách hàng tiếp tục bán lại cho người khác và khi phát sinh vướng mắc thì người mua cuối cùng đi khiếu nại. Vấn đề này theo ông Tuyến là quan hệ dân sự nên đề nghị các quận huyện sở ngành hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa án.
Thứ hai là dạng chủ đầu tư đã bán nhà cho dân nhưng vẫn thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng. Trường hợp này, ông Tuyến cho rằng, cơ quan chức năng phải chuyển hồ sơ vụ việc tới cơ quan cảnh sát điều tra.
Thứ ba là dạng dự án có vi phạm xây dựng. Ông Tuyến cho hay, những trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền. Hướng giải quyết là sẽ xử phạt vi phạm và sau đó nếu vẫn đảm bảo quy hoạch, an toàn phòng cháy chữa cháy, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì xem xét cấp GCN cho dân.
“Những trường hợp này rất nhiều nên Sở TNMT cần xem xét một số trường hợp điển hình, đại diện cho những trường hợp tương tự để có thể áp dụng một quy trình xử lý chung”, ông Tuyến nói.
Cán bộ sẵn sàng “chịu đấm ăn xôi”
Liên quan đến việc chậm hoặc không giải quyết cấp giấy cho người dân, ông Tuyến nhìn nhận là hiện có nhiều nguyên nhân. Nhưng những thủ tục, quy định, chỉ đạo của TP đều có hết, quy định pháp luật cũng đã đầy đủ. Tuy nhiên, còn tình trạng mỗi nơi một cách làm khác nhau.
“Vấn đề này lãnh đạo các quận huyện và Văn phòng đăng ký đất đai cần phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Phản ánh, khiếu nại của người dân là hết sức cụ thể. Cũng có những trường hợp cán bộ tiếp nhận, thụ lý hồ sơ còn nhũng nhiễu, năng lực hạn chế, làm sai nhưng không dám sửa”, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Thường trực HĐND TP đặt nhiều vấn đề trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân trong lĩnh vực cấp GCN.
Cũng theo ông Tuyến, hiện bộ máy của Văn phòng đăng ký đất đai TP có khoảng 1.200 người nhưng số lượng công chức, viên chức không tới phân nửa, chủ yếu là hợp đồng lao động. “Do đó có những trường hợp sẵn sàng làm sai để hưởng lợi ích. Khi bị phát hiện thì cùng lắm là cho nghỉ việc, chưa có trường hợp nào bị khởi tố”, ông Tuyến nhìn nhận.
Phó Chủ tịch phụ trách đô thị cũng cho hay, hiện nay nhiều trường hợp vi phạm xây dựng có sai sót kéo dài nên chính quyền không dám sửa. Tình trạng một mảnh đất mà cấp hai giấy đỏ xảy ra rất nhiều như ở quận 9, Bình Chánh. Ông Tuyến khẳng định, trong thời gian tới dứt khoát không thể để tình trạng này tiếp tục xảy ra.
Liên quan đến việc tiếp dân, ông Tuyến cho rằng, có tình trạng dân không đồng tình với kết quả giải quyết khiếu nại nhưng chính quyền cũng không biết tại sao.
Theo ông Tuyến, nếu giải quyết công khai, minh bạch thì dân chắc chắn sẽ đồng thuận. Bên cạnh đó, ông Tuyến cũng nêu, nhiều người dân có thể không đồng tình với kết quả giải quyết khiếu nại do còn vướng quy định pháp luật nhưng lại đồng tình với thái độ giải quyết của cán bộ, công chức.
“Nếu tiếp dân bằng cả tấm lòng thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Hiện nay đang giai đoạn số hóa, ứng dụng công nghệ nhưng quan trọng nhất vẫn là tấm lòng. Nơi nào mà lãnh đạo quan tâm nhiều thì sẽ giải quyết được hết”, ông Tuyến nói.
Giải quyết khiếu nại của dân sai: lãnh đạo phải chịu trách nhiệm
Từ tình trạng khiếu nại trong lĩnh vực cấp GCN còn nhiều, ông Tuyến đưa ra “tối hậu thư” cho các sở ngành và địa phương có liên quan. Theo đó, tới ngày 30-11, các quận huyện và Văn phòng đăng ký đất đai phải hoàn thành xong việc phân loại hơn 17.000 trường hợp chưa được cấp giấy theo từng nhóm vấn đề để giải quyết. Đồng thời phải nêu được lý do tại sao chưa giải quyết.
Trường hợp nếu là sai từ phía người dân thì cũng cần phải trả lời rõ ràng minh bạch cho dân. Những gì dân nói đúng thì phải giải quyết cho dân. Nếu vấn đề đó thuộc thẩm quyền của TP thì báo cáo TP giải quyết. Nếu TP không giải quyết thì TP phải chịu trách nhiệm.
Đến ngày 31-12, chủ tịch, phó chủ tịch các quận huyện phải tiếp người dân của hơn 17.000 hồ sơ hiện đang vướng chưa cấp giấy được và phải báo cáo cụ thể cho TP. “Giải quyết được hay không được thì cũng phải trả lời người dân cho rõ ràng để dân biết. Cái nào sai thì phải sửa, giải quyết theo nguyên tắc cái gì cũng phải có địa chỉ rõ ràng. Các trường hợp chưa giải quyết được thì phải hướng dẫn người dân và trả lời bằng văn bản”, ông Tuyến nói.
Đến tháng 1-2019, TP sẽ kiểm tra việc một số văn bản mà quận huyện trả lời người dân. “Nếu hai trường hợp bác đơn của người dân mà quận huyện sai và tiếp tục sai nữa thì tôi phải đề nghị chủ tịch quận huyện đó “lên đường” thôi. Không để người dân tiếp tục bức xúc, không để HĐND giám sát xong thì dân lại tiếp tục bức xúc”, ông Tuyến khẳng định.