Ngày 6-3-2018, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được công văn của UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Huỳnh Cách Mạng - Trưởng ban Chỉ đạo 138 của thành phố (Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm). Theo đó, UBND TP.HCM chuyển bài báo mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh việc đình chỉ đối với ông Bùi Đức Phương (giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ an ninh Việt Nhật) là trái luật đến VKSND TP.HCM để xử lý theo quy định.
Như đã thông tin, ông Phương cãi vã với một phụ nữ đi đòi lương cho con trước cổng trụ sở công ty, sau đó rút súng bắn đạn cao su hù dọa, bắn chỉ thiên. Kiểm tra, công an còn phát hiện ông Phương có một thẻ công an nhân dân giả ghi công tác ở Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP.HCM).
Ngày 8-12-2016, ông Phương bị bắt khẩn cấp, bị khởi tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 BLHS 1999.
Vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Bên hành lang kỳ họp HĐND TP.HCM chiều 6-12-2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng hành vi bắn súng đe dọa phụ nữ của giám đốc công ty vệ sĩ là không thể chấp nhận được...
Tuy nhiên, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đã đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Phương theo khoản 1 Điều 25 BLHS 1999.
Bài báo là ý kiến phân tích pháp lý của nguyên chánh toà hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế về việc khẳng định hành vi của ông Phương không thể coi là do chuyển biến tình hình mà không còn nguy hiểm cho xã hội được.
Ảnh cắt từ clip thể hiện việc sau khi cãi vã, ông Phương rút súng hù dọa và bắn chỉ thiên.
Theo nguyên chánh toà Hình sự TAND Tối cao thì súng bắn đạn cao su đúng là công cụ hỗ trợ nhưng nó chỉ là công cụ hỗ trợ đối với người thi hành công vụ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp chứ không phải đối với người dân. Đối với người dân, họ chỉ biết đó là vũ khí nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình.
Thực tiễn xét xử hành vi dùng súng giả (súng nhựa đồ chơi của trẻ em) mà đe dọa người khác cướp tài sản đều bị xử lý về hành vi cướp có vũ khí vì người bị cướp đâu có biết đó là súng giả! Trường hợp này cũng cần phải hiểu tương tự.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: "Hành vi bắn súng đe dọa phụ nữ của giám đốc công ty vệ sĩ là không thể chấp nhận được"... Ảnh: TÁ LÂM
Về chiếc thẻ công an giả, nhiều câu hỏi đặt ra là ai cấp thẻ công an giả cho ông Phương? Ông dùng thẻ đó nhằm mục đích gì? Tại sao công an lại cho rằng ông chưa sử dụng nó? Căn cứ vào đâu mà kết luận như vậy? Tội sử dụng giấy tờ giả chỉ cần xác định mục đích của người sử dụng là tội phạm đã hoàn thành chứ không phải chờ đến khi bắt được hành vi sử dụng mới cấu thành tội phạm.
Nguyên chánh toà hình sự TAND Tối cao cho rằng ông Phương thực hiện hai hành vi phạm tội, gây bức xúc dư luận, không thể không bị xử lý bằng biện pháp hình sự để làm gương.