Sáng 28-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất (SDĐ) nông nghiệp.
Không giảm thu ngân sách, giúp nông dân vượt khó
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian miễn thuế SDĐ nông nghiệp đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 và nay đề nghị kéo dài đến năm 2025, thêm năm năm nữa. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay số thuế SDĐ nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỉ đồng/năm.
“Việc quy định miễn thuế SDĐ nông nghiệp không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi đã gia nhập WTO” - bộ trưởng Tài chính khẳng định. Theo ông, việc miễn thuế này cũng không làm giảm thu ngân sách nhà nước, do chính sách này đang được thực hiện trên thực tế.
Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thường trực ủy ban này nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế SDĐ nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025.
Ông Hải nói đây là chính sách giúp giảm bớt khó khăn cho nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển… Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam!”. Ảnh: TTXVN
Không nên miễn thuế tràn lan
Nêu ý kiến, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách miễn thuế SDĐ nông nghiệp thời gian qua còn “sơ sài, không rõ tác động”.
Ông Phúc tính toán trong 20 năm thực hiện chính sách, bình quân mỗi năm miễn thuế SDĐ nông nghiệp khoảng 5.671 tỉ đồng. Với số tiền này, tờ trình của Chính phủ đánh giá là “giải pháp có tác động lớn, quan trọng” để khuyến khích tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp…
“Chỉ 5.671 tỉ đồng mà tác động ghê gớm như thế này, tôi đề nghị QH cho gấp đôi” - ông Phúc nói.
Tổng thư ký QH cho rằng cần đánh giá cả hai chiều, chứ không phải “cần cái gì thì báo cáo theo chiều hướng tích cực”. Đặt câu hỏi: “Người để đất bỏ hoang cũng được miễn thì như thế nào, có công bằng không?”, ông Phúc đề nghị phải có khảo sát, đánh giá cụ thể vấn đề này, không nên miễn thuế tràn lan.
1.651 tỉ đồng cấp cho Bộ GTVT được điều chỉnh, chuyển giao sang UBND TP Đà Nẵng để thực hiện dự án nút giao thông khác mức Ngã ba Huế (TP Đà Nẵng). Cũng trong sáng 28-4, Ủy ban Thường vụ QH đã biểu quyết như trên. |
“Cứu cánh” cho nền kinh tế
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đối tượng, phạm vi miễn thuế không nên tràn lan. “Làm sao để chính sách này tác động tích cực, khuyến khích người dân SDĐ nông nghiệp có hiệu quả, không để lãng phí đất đai” - bà Ngân nói.
Tán thành với việc miễn thuế SDĐ nông nghiệp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn đối với ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân mỗi lúc gặp khó khăn như trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra khó lường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những khi khủng hoảng tài chính, dịch bệnh thì sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi những lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, vận tải bị đình trệ thì lĩnh vực nông nghiệp vẫn phát triển. Khi dịch bệnh diễn ra ở Việt Nam thì nông dân đi làm việc xa nhà vẫn phải quay trở về quê hương gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng của mình để trồng trọt, sản xuất.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng chính sách miễn thuế nên nhìn ở ba góc độ gồm: Thu cho ngân sách - đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển - công cụ quản lý của Nhà nước. “Như vậy, nếu chỉ thu thì chính sách thuế như con vịt què. Chính sách thuế là con thiên nga chỉ khi nhìn ở ba góc độ” - ông Hiển ví von.
Từ đó, ông Hiển đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, đánh giá tác động, có tổng kết để báo cáo QH. Theo ông, đây là chính sách lớn, quan điểm lớn và sẽ được nhiều đại biểu QH quan tâm.
“Nếu trình ra hồ sơ sơ sài thì chúng ta sẽ bị phê bình, các đồng chí hết sức lưu ý” - ông Hiển nói.
Bỏ hoang đất nông nghiệp đang phổ biến Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp hiện đang diễn ra khá phổ biến. “Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp, tôi về tiếp xúc cử tri ba huyện thì huyện nào cũng kêu tình trạng bỏ đất nông nghiệp nhiều lắm, rất nhiều” - ông dẫn chứng. Ông liệt kê hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc bỏ hoang đất nông nghiệp, trong đó đáng chú ý là dịch bệnh, nhất là dịch chuột, giá bán và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp rất khó khăn… Đồng tình, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tới nguyên nhân đầu vào tăng, đầu ra bấp bênh khiến nông dân không yên tâm sản xuất. “Đừng đổ thừa việc miễn thuế này làm cho tình trạng bỏ đất hoang. Không phải đâu! Bỏ đất hoang có nhiều lý do lắm” - bà Ngân nói. |