Kể từ ngày 26-8, luật 'ngắt kết nối' mới của Úc có hiệu lực, theo đó người lao động có quyền từ chối nhận chỉ đạo công việc từ cấp trên sau giờ làm việc, theo hãng tin Reuters.
Bộ Lao động và Quan hệ nơi làm việc của Úc cho biết việc ban hành luật mới là nhằm “đảm bảo nhân viên biết khi nào họ có thể tạm nghỉ và họ có thể làm gì khi không phải làm việc”.
Với việc đưa vào thực hiện luật 'ngắt kết nối', Úc trở thành nước thuộc nhóm các nước có bộ luật tương tự cho phép người lao động có quyền "ngắt kết nối" sau giờ làm việc, chủ yếu trong Liên minh châu Âu và ở châu Mỹ Latinh.
Luật 'ngắt kết nối' có gì?
Theo hãng tin Reuters, luật mới của Úc quy định rằng chủ lao động vẫn có thể liên hệ với người lao động của họ, tuy nhiên giờ đây người lao động có quyền không trả lời cấp trên của mình khi đã ngoài giờ làm việc, trừ khi lý do từ chối của người lao động không hợp lý.
Điều này có nghĩa là nhân viên có thể lựa chọn từ chối theo dõi, đọc hoặc trả lời các liên hệ về công việc từ chủ lao động hoặc bên thứ ba, chẳng hạn từ khách hàng, mà không bị phạt nếu đã ngoài giờ làm việc và có lý do chính đáng.
Việc quyết định lý do 'ngắt kết nối' của nhân viên có hợp lý hay không sẽ phải tính đến các yếu tố như vai trò của nhân viên, lý do liên hệ, cách thức thực hiện việc liên lạc, mức độ gián đoạn cuộc sống của nhân viên, bản chất của công việc của nhân viên, cũng như vai trò và hoàn cảnh cá nhân.
Ủy ban Công bằng Lao động (FWC) sẽ là cơ quan thực hiện việc đánh giá quyết định ngắt kết nối của người lao động.
Theo luật 'ngắt kết nối', trong trường hợp xảy ra tranh chấp, người sử dụng lao động và người lao động trước tiên phải cố gắng giải quyết tranh chấp tại nơi làm việc. Nếu thất bại, FWC có thể can thiệp và yêu cầu công ty ngừng liên hệ với nhân viên hoặc cấm công ty đó thực hiện biện pháp kỷ luật đối với những nhân viên từ chối liên hệ.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng có thể yêu cầu nhân viên phải trả lời người sử dụng lao động trong trường hợp lý do để họ từ chối là không hợp lý.
Việc vi phạm luật có thể bị phạt lên tới 19.000 đô la Úc đối với một nhân viên hoặc lên tới 94.000 đô la Úc đối với một công ty.
Theo tờ The Guardian, bắt đầu từ ngày 26-8, luật 'ngắt kết nối' sẽ được áp dụng cho "người lao động ở hệ thống quốc gia", và sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn một năm sau đó. Những nhân viên có thu nhập trên ‘ngưỡng thu nhập cao’ (hiện được quy định ở mức 175.000 USD) sẽ không phải là đối tượng mà luật mới hướng tới.
Vì sao phải 'ngắt kết nối'?
Tiến sĩ Gabrielle Golding của ĐH Adelaide (Úc) cho biết nhân viên khi ít phải làm việc không lương ngoài giờ sẽ ít phải chịu căng thẳng và ít kiệt sức hơn, theo tờ The Guardian.
Bà Golding nhận định dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Công việc Tương lai của Viện Úc. Theo đó, người Úc phải làm việc tăng ca không lương trung bình 5,4 giờ một tuần - tương đương với khối lượng lao động không được trả lương trị giá 131,2 tỉ USD mà người lao động cung cấp cho chủ lao động của họ.
“Nhân viên sẽ kết thúc ngày làm việc của mình một cách dứt khoát và không còn gánh nặng phải tiếp tục liên lạc về các vấn đề liên quan đến công việc trong thời gian riêng tư của họ, trừ khi áp dụng một số trường hợp ngoại lệ hợp lý” - Bà Golding nói về sự cần thiết của luật 'ngắt kết nối'.
Bà Golding cho biết thêm rằng người sử dụng lao động cũng sẽ được hưởng lợi thông qua việc tăng năng suất từ những người nhân viên đã hồi phục sức lao động tốt hơn.
Ý kiến các bên
Theo Reuters, phía các doanh nghiệp có ý kiến phản đối. Tập đoàn Công nghiệp Úc cho biết sự mơ hồ về cách áp dụng luật 'ngắt kết nối' mới này sẽ gây ra lúng túng cho các chủ lao động và người lao động. Luật mới cũng sẽ khiến công việc sẽ trở nên kém linh hoạt hơn và làm chậm nền kinh tế.
Ngược lại, luật 'ngắt kết nối' mới của Úc được các công đoàn và các nhóm hoạt động xã hội hoan nghênh. Những người ủng hộ nói rằng luật mang lại cho người lao động sự tự tin để đứng lên chống lại việc bị cấp trên xâm phạm thường xuyên vào cuộc sống cá nhân bằng email, tin nhắn và cuộc gọi công việc. Theo họ, đây là một xu hướng trở nên phổ biến kể từ khi đại dịch COVID-19 đã làm rối loạn ranh giới giữa nhà và nơi làm việc.
“Trước khi chúng ta có công nghệ kỹ thuật số, chưa có tình trạng xâm phạm, mọi người sẽ về nhà khi kết thúc ca làm việc và sẽ không liên lạc gì cho đến khi họ quay lại vào ngày hôm sau. Bây giờ, trên khắp thế giới, việc nhận email, tin nhắn, cuộc gọi ngoài những khung giờ đó là bình thường, ngay cả khi đi nghỉ" - ông John Hopkins, Phó Giáo sư tại ĐH Công nghệ Swinburne (Úc) nhận xét.
Bà Rachel Abdelnour - một người làm việc trong lĩnh vực quảng cáo cho biết những thay đổi này sẽ giúp bà 'ngắt kết nối' ở một ngành nghề mà khách hàng thường có giờ làm việc khác nhau, theo Reuters.
Bà Abdelnour nói với Reuters: “Tôi nghĩ việc chúng ta có những luật như thế này thực sự rất quan trọng. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để kết nối với điện thoại, kết nối với email cả ngày và tôi nghĩ rằng thật khó để tắt nó đi".
Theo tờ The Guardian, Tiến sĩ Rachael Potter từ ĐH South Australia cho biết cũng cần có sự thay đổi về văn hóa để nhân viên cảm thấy thật sự thoải mái khi thiết lập các ranh giới về thời gian làm việc.
“Thật sự rất khó khăn cho nhân viên khi người quản lý là người gửi email. Lý tưởng nhất là chúng tôi muốn thiết lập văn hóa cho những người quản lý và đồng nghiệp xung quanh người lao động để thống nhất về nhận thức rằng thời gian này là để ngắt kết nối và phục hồi" - theo bà Potter.