Ngày 10-5 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau tuyên bố: “Mỹ luôn ủng hộ các nước thực hiện các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải mà không dùng đến vũ lực, dọa nạt hoặc trả đũa”.
Theo báo Inquirer (Philippines), phát biểu trên được đưa ra sau khi ứng cử viên tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố nếu trở thành tổng thống Philippines, ông sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Tàu chiến hai nước khó đối đầu
Liên quan đến sự kiện tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence (DDG 110) tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, báo South China Morning Post ngày 11-5 nhận định sự kiện này diễn ra ngay sau khi quân đội Trung Quốc tập trận ở biển Đông.
Theo hãng tin China News Service (Trung Quốc), Bắc Kinh đã điều các tàu chiến hiện đại nhất tham gia tập trận.
Trong hai ngày 8 và 9-5, hạm đội Nam Hải đã diễn tập tấn công và phòng thủ ngoài khơi đá Su Bi. Ngoài ra, các tàu khu trục, tàu tiếp vận và máy bay trực thăng đã tuần tra ở khu vực đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Vành Khăn, đá Ga Ven và đá Tư Nghĩa.
Tân Hoa xã đưa tin chiều 10-5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khăng khăng cho rằng tàu USS William P. Lawrence đã có hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Tàu khu trục USS William P. Lawrence (DDG 110). Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Người phát ngôn thông báo quân đội Trung Quốc đã điều hai máy bay tiêm kích J-11 và một máy bay tuần tra biển Y-8 bay đến khu vực tàu chiến Mỹ. Sau đó, ba tàu khu trục Trung Quốc đã phát hiện và cảnh báo tàu Mỹ rời đi.
Báo South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Trung Quốc Lý Kiệt nhận định dù vậy ít có khả năng các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc đối đầu vì hai bên đã có bộ quy tắc ứng xử trong tình huống bất ngờ trên biển.
Báo Japan Times dẫn lời ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy ở Sydney (Úc), nhận định: “Mỹ ba lần thực hiện tự do hàng hải như quyền đi qua vô hại mà không cần báo trước đã khẳng định Mỹ (hay muốn nói là Bộ chỉ huy Thái Bình Dương) muốn tiến hành tự do hàng hải ở mức tối thiểu để kiềm chế căng thẳng với Trung Quốc”.
Hải quân Úc - Nhật tập trận chung
Trong khi đó tại Úc, báo The Australian ghi nhận chính phủ Úc ủng hộ Mỹ đưa tàu khu trục USS William P. Lawrence tuần tra tự do hàng hải trong vùng biển Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Tối 10-5, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tuyên bố điều quan trọng là mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế.
Bà khẳng định: “Úc ủng hộ mạnh mẽ các quyền này. Úc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khu vực về an ninh hàng hải”.
Từ nhiều năm qua, tàu chiến và máy bay Úc đã thực hiện tự do hàng hải qua biển Đông nhưng chưa có đơn vị nào đi vào vùng biển quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Vào lúc tàu USS William P. Lawrence của Mỹ tuần tra ở biển Đông, tàu ngầm HMAS Rankin của hải quân Úc đang ở cảng Kobe (Nhật). Tàu ngầm Úc đến Nhật để chuẩn bị tập trận cùng lực lượng phòng vệ biển Nhật.
Đêm 10-5, hải quân Úc xác nhận tàu ngầm Rankin vừa hoàn tất chuyến thăm Nhật trong năm ngày.
Hải quân Úc thông báo: “Cuộc huấn luyện song phương sẽ giúp các tàu chiến tham gia thực hiện các kỹ năng hàng hải như di chuyển, liên lạc và tăng cường phối hợp trên biển”.
Trước khi trở về Úc, tàu ngầm Rankin sẽ tham gia cuộc diễn tập cứu hộ tàu ngầm mang tên “Vươn tới Thái Bình Dương 16”.
Báo Jakarta Globe đưa tin tại cuộc họp báo ngày 11-5 có mặt Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi (bên trái ảnh) và Tư lệnh Gatot Nurmantyo (bên phải ảnh), Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa ảnh) khẳng định bốn công dân Indonesia bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở Philippines bắt làm con tin đã được trả tự do và đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Bốn con tin đi trên tàu kéo Henry treo cờ Indonesia bị bọn Abu Sayyaf bắt làm con tin vào giữa tháng 4 ở miền nam Philippines. Tổng thống Joko Widodo cho biết đây là kết quả phối hợp tốt giữa Indonesia và Philippines và nói: “Tôi cảm ơn chính phủ Philippines đã hợp tác tốt trong hai chiến dịch giải cứu các con tin Indonesia”. Ông khen ngợi chiến dịch giải cứu là kết quả từ thỏa thuận ba bên Indonesia-Malaysia-Philippines hôm 5-5 về phối hợp chống cướp biển có vũ trang. ________________________________ Úc có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại tự do, tự do hàng hải và hàng không. Như chúng tôi đã làm trong nhiều thập niên, các tàu chiến và máy bay Úc sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và hàng không, bao gồm ở biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Úc MARISE PAYNE |