Đầu tháng 9, khi các đồng minh phương Tây tập trung tại Căn cứ Không quân Ramstein (Đức) cho cuộc họp lần thứ 24 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đích thân đến để thúc đẩy các đồng minh viện trợ vũ khí, cụ thể là hệ thống phòng không và vũ khí tầm xa.
Mặc dù có những cam kết mới về viện trợ vũ khí nhưng kết quả vẫn khá ảm đạm. Kiev nhận được lời hứa về một hệ thống phòng không “cổ điển”, cùng với tên lửa, xe tăng, thiết giáp, pháo binh và các loại đạn dược khác.
Các loại vũ khí tầm xa mà ông Zelensky tích cực kêu gọi như tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS hay Storm Shadow không có trong danh sách, cũng như không có thay đổi nào liên quan quy định hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga.
Dưới đây là những cam kết viện trợ vũ khí từ phương Tây với Ukraine sau hai ngày họp, theo tờ Kyiv Independent.
Mỹ: Xe chiến đấu Bradley và rất nhiều đạn dược
Tại kỳ họp UDCG, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 250 triệu USD cho Ukraine, không khác nhiều so với những gói viện trợ vũ khí trước đó.
Gói viện trợ vũ khí mới bao gồm tên lửa RIM-7 Sea Sparrow, dòng tên lửa phòng không tầm ngắn được sử dụng trên các chiến hạm nhưng đã được cải tiến để trang bị cho các hệ thống mặt đất mà Ukraine đang sở hữu.
Được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng từ những năm 1960, phiên bản hải quân của tên lửa AIM-7 Sparrow này bắt đầu chuyển giao cho Ukraine từ năm 2023.
Gói viện trợ vũ khí mới còn bao gồm thiết giáp, trong đó có xe chiến đấu bộ binh Bradley - phương tiện được binh sĩ Ukraine ca ngợi là cứu tinh trên chiến trường.
Washington tiếp tục cam kết cung cấp cho Kiev đạn pháo 155 mm và 105 mm theo tiêu chuẩn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ukraine cũng nhận được cam kết về đạn dược cho HIMARS, tên lửa Stinger, tên lửa TOW và các loại hàng viện trợ khác.
Đức: Pháo tự hành và xe tăng
Trong khi Mỹ cam kết cung cấp đạn pháo mới, Đức đã hứa cung cấp 12 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze (PzH) 2000 với tổng giá trị là 150 triệu euro (165 triệu USD).
Nửa đầu của lô hàng này dự kiến sẽ đến Ukraine trong năm 2024, số còn lại dự kiến sẽ đến vào năm sau.
Pháo tự hành Panzerhaubitze do hai nhà sản xuất vũ khí của Đức là KMW và Rheinmetall hợp tác phát triển vào những năm 1980 và 1990.
Vũ khí chính của Panzerhaubitze là pháo cỡ nòng 155mm với 60 viên đạn. Panzerhaubitze có tầm bắn hơn 30 km với đạn thông thường và thậm chí xa hơn với đạn có tầm bắn xa.
Nhờ có khung gầm xích, Panzerhaubitze có khả năng cơ động cao và có thể duy trì tốc độ bắn liên tục 10 viên một phút trong hai phút, rất lý tưởng cho chiến thuật bắn và chạy.
Ukraine hiện đang vận hành khoảng 28 khẩu pháo Panzerhaubitze do Đức, Ý và Hà Lan cung cấp. Vào đầu năm 2024, Berlin đã đặt hàng thêm 18 khẩu pháo cho Ukraine.
Cùng với Hà Lan và Đan Mạch, Đức cũng cam kết sẽ chuyển giao 77 xe tăng Leopard 1A5 sớm nhất có thể. Dù Leopard 1A5 không sánh được với dòng xe kế nhiệm của nó là Leopard 2, nhưng số lượng của chúng vẫn giúp giảm bớt lợi thế vật chất của Nga trên chiến trường.
Tính đến tháng 8, Đức và Đan Mạch đã chuyển giao 58 xe tăng Leopard 1A5 cho Ukraine.
Ưu điểm của Leopard 1A5 bao gồm khả năng cơ động và độ chính xác, mặc dù có giáp và súng yếu hơn so với các xe tăng cùng loại của Liên Xô như T-72.
“Tuổi” của những chiếc Leopard 1A5 được chuyển đến Ukraine cũng là một thách thức cho Kiev, Ukraine được cho là đã từ chối tiếp nhận một số xe tăng này trước đó do tình trạng kém.
Canada: Động cơ tên lửa và hơn 1.000 đầu đạn
Canada cũng công bố một gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine bao gồm 80.840 động cơ tên lửa không đối đất CRV7 mà Canada đã thôi sử dụng và 1.300 đầu đạn. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair cho biết các vũ khí này sẽ được chuyển giao trong những tháng tới.
Thông báo này được đưa ra sau khi chính phủ Canada được kêu gọi cung cấp cho Ukraine hơn 83.000 tên lửa CRV7, mặc dù quân đội Canada hiện không sử dụng dòng vũ khí này nữa và đã lên kế hoạch phá hủy.
Bộ Quốc phòng Canada đã kiểm tra và đảm bảo sẽ chỉ có động cơ CRV7 ở trong tình trạng đủ tốt mới được gửi đến Ukraine.
Ra mắt vào những năm 1970, CRV7 có thể được phóng từ trực thăng và máy bay cánh cố định và vẫn là một trong những vũ khí mạnh nhất cùng loại cho đến ngày nay.
Ông Kyrylo Budanov, giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Ukraine (HUR), nói vào tháng 2 rằng trực thăng và bệ phóng mặt đất của Ukraine có thể sử dụng CRV7 để nhắm vào xe tăng và pháo binh Nga.
Canada cũng đồng ý chuyển giao khung gầm của 29 Xe bọc thép chở quân M113 và 64 xe bọc thép chở quân Coyote LAV mà quân đội Canada sử dụng trước đây.
M113 là một loại xe do Mỹ sản xuất, đã tham chiến từ thời Chiến tranh Việt Nam và được Ukraine sử dụng rộng rãi. Xe bọc thép Coyote là một mẫu xe mới hơn, được Lực lượng vũ trang Canada sử dụng chủ yếu trong các nhiệm vụ trinh sát nhẹ.
Anh: Tăng cường phòng không Ukraine bằng tên lửa
Ngay trước khi cuộc họp của UDCG bắt đầu, Anh tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 650 tên lửa phòng không đa năng hạng nhẹ (LMM) trị giá hơn 213 triệu USD vào cuối năm nay.
LMM là tên lửa dẫn đường đa năng có thể phóng từ bệ phóng trên đất liền, trên biển hoặc trên không do tập đoàn Thales (Bắc Ireland) sản xuất.
Tên lửa chỉ nặng 13 kg và có tầm bắn 6 km, với tính năng đặc biệt là hệ thống dẫn đường sử dụng cả tia laser và tia hồng ngoại.
Theo nhà sản xuất, LMM phù hợp để chống lại các mục tiêu như “các cơ sở tĩnh, xe bọc thép chở quân, các mối đe dọa bất đối xứng, tàu tấn công ven bờ nhanh và máy bay không người lái (UAV)”.
Tây Ban Nha: Hệ thống phòng không Hawk
Cam kết viện trợ vũ khí của Tây Ban Nha cho Ukraine là một khẩu đội phòng không HAWK (gồm sáu bệ phóng) và sẽ được gửi đến Ukraine ngay lập tức.
Được phát triển vào cuối những năm 1950 tại Mỹ, Hawk là hệ thống tên lửa dẫn đường đất đối không tầm trung, có khả năng phòng thủ trên không chống lại máy bay bay ở độ cao từ thấp đến trung bình.
Tây Ban Nha đã cung cấp cho Ukraine tổ hợp sáu bệ phóng Hawk đầu tiên vào mùa thu năm 2022.
Mặc dù kém xa các hệ thống tiên tiến hơn như Patriots, nhưng Hawks vẫn nhận được lời khen ngợi từ binh sĩ Ukraine. Hệ thống này không chỉ được sử dụng để chống lại tên lửa hành trình của Nga mà còn cả UAV loại Shahed.
Hà Lan: Tiêm kích F-16
Viện trợ vũ khí của Hà Lan tập trung vào việc tăng cường năng lực F-16 của Ukraine. Là một trong số ít quốc gia đưa ra cam kết về F-16, Hà Lan cho biết sẽ cung cấp thêm tên lửa không đối không, thiết bị bảo dưỡng và các vật liệu khác để trang bị cho F-16.
“Hà Lan sẽ cung cấp vật liệu trị giá 80 triệu euro (90 triệu USD). Bên cạnh số lượng lớn phụ tùng thay thế, còn có máy phát điện, vật liệu bảo dưỡng thiết yếu, dụng cụ chuyên dụng,... Với tên lửa không đối không, Ukraine có thể bắn hạ máy bay địch” - Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans nói.
Hà Lan không tiết lộ loại tên lửa chính xác hoặc khung thời gian chuyển giao vũ khí vì mục đích an ninh.
Theo Kyiv Independent, vũ khí không đối không F-16 sử dụng có thể là tên lửa AIM-9 Sidewinder tầm ngắn và tên lửa AIM-120 AMRAAM.