Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược, nhân lực và sự hỗ trợ của phương Tây khi cuộc phản công được phát động vào 6 tháng trước đã thất bại. Trong khi đó, Nga dường như đang tự tin về khả năng duy trì cuộc chiến và có thể đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự.
Thông điệp từ Nga, Mỹ gây áp lực cho Ukraine
Hôm 14-12, trong buổi họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng “trên toàn bộ chiến tuyến, các lực lượng Nga đang cải thiện vị thế của mình” và đang trong giai đoạn hoạt động tích cực. Ông Putin cũng cho biết 617.000 quân nhân đã được triển khai ở khu vực xung đột dọc chiến tuyến dài hơn 2.000 km.
Theo Tổng thống Putin, Ukraine sẽ không có tương lai do phụ thuộc vào sự giúp đỡ, viện trợ của phương Tây. Ông cũng khẳng định “xung đột có thể kết thúc và có vẻ như nó đang kết thúc” với những chuyển biến tích cực của Nga trên chiến trường, đồng thời khẳng định sẽ có hòa bình khi Nga đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuần qua, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã tới Mỹ để thúc giục quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine, gồm 50 tỉ USD viện trợ an ninh. Phát biểu tại Nhà Trắng cùng với ông Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden ví von rằng việc các nhà lập pháp không phê duyệt gói viện trợ này như “tặng ông Putin một món quà Giáng sinh tuyệt vời”.
Theo tờ The New York Times, các thông điệp từ Moscow và Washington cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với Ukraine trong bối cảnh nước này chuyển sang thế phòng thủ; chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt với các cuộc không kích và tình trạng thiếu năng lượng; cũng như đang vật lộn để thuyết phục Mỹ duy trì hỗ trợ khi Washington cũng đang phải bận lòng với xung đột Israel - Hamas ở Gaza và chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.
Dù khó khăn, Nga vẫn có lợi thế
Nếu Mỹ cắt nguồn viện trợ cho Ukraine thì sẽ chứng tỏ niềm tin bấy lâu của Nga là đúng khi Moscow cho rằng sẽ có thể làm lung lay quyết tâm của phương Tây trong cuộc chiến này, theo The New York Times.
Bà Hanna Notte, chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh Nga tại Trung tâm nghiên cứu James Martin về Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho rằng ngay sau đòn tấn công chớp nhoáng vào Kiev ở giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt nhưng không mang lại kết quả như mong đợi, Moscow đã quyết định tham chiến kéo dài và tin rằng Nga sẽ có sức chịu đựng bền bỉ nhất trong cuộc chiến này.
Theo bà Notte, Nga đã thích nghi, tăng cường sản xuất đạn dược và vũ khí nội địa, đồng thời nhập khẩu các trang thiết bị quan trọng từ Iran và Triều Tiên, tất cả đều nhằm mục tiêu duy trì một cuộc chiến lâu dài. Chuyên gia này cho rằng sự hỗ trợ đó rất có ý nghĩa đối với Moscow trên chiến trường, đặc biệt là với việc Iran giúp Nga tăng cường sản xuất máy bay không người lái (UAV) trong nước.
Dù có lợi thế về quân số và vũ khí, Nga cũng phải đối mặt với những hạn chế nhất định, chẳng hạn Nga đã mất một số lượng lớn nhân lực trong các cuộc tấn công và giành được rất ít lãnh thổ ngoài TP. Bakhmut (tỉnh Donetsk); hiện tại, Nga khó có thể tấn công lớn ở thủ đô Kiev hay các thành phố lớn khác của Ukraine.
Với việc Ukraine xây dựng các công sự phòng thủ dọc mặt trận, Nga có thể tiếp tục chịu tổn thất nặng nề mà không thu được gì nhiều. Ông Steven Pifer, thành viên cấp cao tại Viện Brookings (Mỹ) và là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói: “Những gì chúng ta thấy trong cuộc chiến này là khả năng phòng thủ thường có lợi thế đáng kể”.
Hàng loạt áp lực bủa vây Ukraine
Ukraine, vốn phụ thuộc vào phương Tây về vũ khí và tài chính, phải đối mặt với những áp lực mà Nga không có. Theo các nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ, các đồng minh của Ukraine không có đủ đạn dược và thiết bị để hỗ trợ Kiev tiến hành một cuộc phản công khác, và như vậy sẽ khó có một chiến dịch lớn diễn ra trong năm 2024.
Cho đến nay, Mỹ là hậu phương quan trọng nhất của Ukraine, viện trợ khoảng một nửa số vũ khí và một phần tư nguồn viện trợ nước ngoài của Ukraine. Tuy nhiên, gần 22 tháng sau cuộc chiến, các cuộc thăm dò nói chung cho thấy sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc tiếp tục tài trợ cho Ukraine đã giảm sút, đặc biệt là ở các đảng viên Cộng hòa.
Thêm nữa, thất bại của cuộc phản công năm nay đã khoét sâu sự bất đồng chính trị trong nội bộ Ukraine, đáng chú ý nhất là giữa ông Zelensky và Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine - Tướng Valery Zaluzhny. Một tháng sau khi ông Zelensky công khai chỉ trích ông Zaluzhny vì vị tướng này nói rằng cuộc chiến đã rơi vào bế tắc, cả hai ông vẫn chưa xuất hiện cùng nhau trước công chúng.
Cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy Nga có ý định tấn công gắt hơn trong mùa đông này. Sau nhiều tuần tập trung tấn công vào TP Avdiivka (tỉnh Donetsk), Nga cuối tuần qua đã bắt đầu một cuộc tổng tấn công dọc theo mặt trận phía đông, theo Tư lệnh lực lượng Lục quân Ukraine - Tướng Oleksandr Syrskyi.
Mỹ đã cung cấp hơn hai triệu quả đạn pháo 155 mm và làm trung gian giao hàng từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, nguồn dự trữ của quân đội phương Tây, vốn không lường trước được một cuộc chiến pháo binh lớn, đang cạn kiệt.
Ngoài ra, Ukraine cũng cần đạn dược cho hệ thống phòng không để chống lại UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga ở thủ đô và cơ sở hạ tầng quan trọng. Phương Tây đã cung cấp khoảng hơn chục loại hệ thống phòng không hiện đại cho Ukraine nhưng khi Nga bắn hàng nghìn máy bay không người lái Shahed giá rẻ, đạn phòng không của Ukraine đang dần cạn kiệt.
Đáng lo nhất là tên lửa Nga có thể xuyên qua các khoảng trống phòng không, tấn công các mục tiêu quân sự và phá hủy cơ sở hạ tầng điện và sưởi ấm nhằm làm suy giảm hoạt động kinh tế, khiến Ukraine ngày càng phụ thuộc vào viện trợ phương Tây.
Ngoài ra, Ukraine cũng phải đối mặt với những thách thức từ việc tiêu hao nhân lực. Dù Kiev không công bố kế hoạch huy động hay thương vong, nhưng cựu chỉ huy tiểu đoàn Yevhen Dykyi, đã ước tính rằng Ukraine sẽ cần động viên 20.000 binh sĩ mỗi tháng trong năm tới để duy trì quân đội, để vừa thay thế những người chết và bị thương, vừa luân chuyển, bố trí lực lượng.