Ông Putin nói gì tại sự kiện giao lưu trực tuyến thứ 20 với người dân Nga?

(PLO)- Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập nhiều vấn đề trong bài phát biểu tại cuộc giao lưu trực tuyến với người dân và các phóng viên hôm 14-12, trong đó có tình trạng kinh tế Nga, chiến sự tại Ukraine, quan hệ với phương Tây và tình hình ở Gaza.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại sự kiện giao lưu trực tuyến lần thứ 20 của Tổng thống Nga Vladimir Putin với người dân và các phóng viên diễn ra ngày 14-12, nhà lãnh đạo Nga đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó có chiến sự tại Ukraine, tình hình kinh tế Nga, quan hệ với phương Tây, và quan điểm của Moscow trong xung đột tại Dải Gaza.

Sự kiện có nhan đề “Kết quả trong năm với Vladimir Putin”, diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Putin vừa tuyên bố ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17-3 sắp tới. Kể từ năm 2001, Tổng thống Putin đã giao tiếp trực tuyến với người dân tổng cộng 15 lần trên cương vị tổng thống và bốn lần với tư cách người đứng đầu chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế Nga

Đề cập tình hình tăng trưởng kinh tế Nga, ông Putin lạc quan rằng Moscow vẫn duy trì được đà phát triển ổn định trong bối cảnh các nước phương Tây liên tục gây áp lực lên Nga.

Theo đó, ông Putin dự đoán Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nga trong năm nay sẽ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Putin còn đặc biệt nhắc tới công nghiệp Nga đã tăng trưởng 3,6% trong năm qua, cũng như nợ công nước ngoài đã giảm từ 46 tỉ USD xuống còn 32 tỉ USD.

Phát biểu kết quả cuối năm 2.png
Tổng thống Nga - ông Vladimir Putin phát biểu tại cuộc giao lưu trực tuyến ngày 14-12. Ảnh: SPUTNIK

Ông Putin lưu ý rằng tỉ lệ thất nghiệp ở Nga đang ở mức thấp nhất lịch sử (2,9%), đồng thời dự đoán rằng thu nhập bình quân người lao động ở Nga sẽ tăng 5% vào cuối năm nay.

“Trong năm qua, Nga và đối tác đã tăng cường sử dụng đồng rúp trong các giao dịch quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Nga đã giảm phụ thuộc vào đồng USD, cũng như chứng tỏ đồng rúp đang giữ vị thế quan trọng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Trong năm tới, ưu tiên của Moscow vẫn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” - ông Putin nói.

Chiến sự tại Ukraine và mục tiêu của Nga

Đề cập chiến sự tại Ukraine, ông Putin cho rằng Nga đã dành nhiều thập niên để xây dựng quan hệ bình thường với Ukraine, tuy nhiên Mỹ và các đồng mình đã xúi giục Kiev giữ lập trường chống Moscow, đó cũng là nguyên nhân khiến Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

“Mỹ và đồng minh đã viện trợ hàng ngàn tỉ USD để leo thang xung đột tại Ukraine và làm suy yếu Nga. Nhưng nỗ lực đó sẽ thất bại, hòa bình sẽ lập lại cho đến khi Moscow đạt được mục tiêu của mình ở Ukraine - Kiev phải cam kết trung lập, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa” - ông Putin nhấn mạnh.

Liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky từng nhiều lần khẳng định rằng Kiev sẽ không ngừng chiến đấu để bảo vệ đất nước và chỉ chấp nhận đàm phán kết thúc xung đột khi Moscow rút quân, đồng thời trả lại những lãnh thổ của Ukraine mà Nga đang kiểm soát.

Hãng thông tấn Ukrinform dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng với tình hình chiến sự vẫn căng như hiện tại, gần như chắc chắn xung đột Nga-Ukraine sẽ khó có thể kết thúc trong năm 2024.

Quan hệ với phương Tây

Cũng trong bài phát biểu tại sự kiện ngày 14-12, ông Putin nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nỗ lực mở rộng biên giới về phía Nga thì Moscow hoàn toàn không thể tin tưởng Mỹ và đồng minh phương Tây.

“Tôi không biết phải xây dựng quan hệ với phương Tây thế nào khi họ đứng sau thúc giục Ukraine chống lại Nga, và cố làm suy yếu Nga bằng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, giờ các nước phương Tây có lẽ đã hiểu rằng việc trừng phạt Nga giống như “tự lấy đá đè chân mình”, bởi họ chịu tổn thương nhiều hơn những gì đã làm với Moscow” - ông Putin nói.

Theo hãng tin Reuters, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã tung 11 gói trừng phạt lên Nga - gói trừng phạt thứ 12 đang trong quá trình thảo luận. Trong khi đó, Mỹ cũng trừng phạt hàng ngàn cá nhân, tổ chức của Nga vì cho rằng những cá nhân, tổ chức này có hành vi hỗ trợ Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Phần lớn các gói trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, vận tải và công nghệ của Nga. Trong suốt thời gian qua, các quan chức Nga cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng Moscow sẽ có biện pháp trả đũa các nước áp dụng trừng phạt phương Tây chống lại Nga.

Tình hình xung đột tại Dải Gaza

Phát biểu kết quả cuối năm 1.png
Xe chiến đấu bọc thép của quân Israel ở Gaza hôm 11-12. Ảnh: TIMES OF ISRAEL

Khi nói về tình hình xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, thuộc Palestine) trong bài phát biểu, ông Putin cho rằng những gì đang diễn ra ở Gaza không khác gì “thảm họa”.

Ông Putin lưu ý rằng xung đột ở Gaza không giống hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Ông còn cho rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) cần phát huy vai trò lớn hơn trong cuộc xung đột ở Gaza.

Nhắc lại quan điểm của Moscow, ông Putin cho biết Nga ủng hộ “giải pháp hai nhà nước” - giải pháp hướng tới thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền, có thủ đô là Đông Jerusalem, cùng tồn tại hòa bình với Israel.

Theo hãng thông tấn TASS, trước đó ông Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu, bày tỏ những quan ngại của Moscow về xung đột ở Gaza.

Theo đó, ông Putin khẳng định Moscow không ủng hộ hành vi mang tính chất khủng bố của Hamas, song cũng không thể đồng tình trước phản ứng quân sự của Israel đã dẫn đến tình cảnh thảm khốc của dân thường ở Gaza.

Ông Putin còn nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng góp sức để giảm bớt đau khổ mà dân thường ở Gaza đang chịu đựng và kêu gọi phía Israel tiếp tục nỗ lực giải cứu các con tin đang bị giam giữ ở Gaza.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm