Ukraine sẽ rút lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo

(PLO)- Trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở Kosovo, Ukraine sẽ rút lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực này về nước để tham gia chiến đấu chống quân Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ukraine sẽ tiến hành rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi phái bộ do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lãnh đạo ở Kosovo, cổng thông tin RBK-Ukraine ngày 3-8 cho hay.

Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo do NATO lãnh đạo (KFOR) hiện có khoảng 3.800 quân, trong đó, lực lượng của Ukraine là 40 người.

Vào tháng 3, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh yêu cầu lực lượng Ukraine ở Kosovo về nước để hỗ trợ trong cuộc chiến với quân Nga.

RBK-Ukraine dẫn thông tin từ Bộ Tư lệnh Ukraine cho biết việc lực lượng gìn giữ hòa bình Ukraine về nước đồng nghĩa với việc tạm thời kết thúc hoạt động của lực lượng này trong KFOR và tuân theo sắc lệnh ngày 7-3 của ông Zelensky.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky hồi tháng 3 đã ký sắc lệnh rút lực lượng gìn giữ hòa bình Ukraine ở Kosovo về nước. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky hồi tháng 3 đã ký sắc lệnh rút lực lượng gìn giữ hòa bình Ukraine ở Kosovo về nước. Ảnh: REUTERS

Một quan chức NATO xác nhận thông tin lực lượng Ukraine sẽ rút quân và khẳng định điều này không ảnh hưởng đến sứ mệnh gìn giữ hòa bình của khối.

Quan chức này nói: “Ukraine đã đóng góp rất nhiều cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp lâu nay của Ukraine cho những nỗ lực hàng ngày của chúng tôi trong việc hỗ trợ các cộng đồng sinh sống ở Kosovo”.

Trước đó, ngày 31-7, lực lượng KFOR cho biết tình hình ở phía bắc Kosovo đang căng thẳng và lực lượng này sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định ở khu vực này bị đe dọa.

Lý do căng thẳng bất ngờ leo thang là người Serbia phản đối 1 điều luật mới của Kosovo có hiệu lực vào ngày 1-8. Theo đó, tất cả công dân Serbia cư trú tại Kosovo sẽ phải làm lại căn cước công dân và biển số xe Kosovo.

Bên cạnh đó, người có hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của Serbia muốn nhập cảnh vào Kosovo thì phải làm giấy nhân thân tạm thời, giống như những gì người Kosovo phải làm khi vào Serbia.

Theo hãng tin Reuters, phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO được triển khai tới Kosovo vào năm 1999 sau khi NATO kết thúc chiến dịch ném bom kéo dài 78 ngày buộc quân đội Serbia phải chấm dứt việc đàn áp người Albania ở Kosovo.

Kosovo tuyên bố ly khai khỏi Serbia thành thực thể độc lập vào năm 2008. Kosovo được hơn 100 quốc gia công nhận độc lập, trừ một số nước bao gồm Nga, Trung Quốc, Serbia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm