Ứng ngân sách bồi thường hai tấn bạch tuộc

Người dân phấn khởi

Ông Đặng Văn Hùng (có 139 kg bạch tuộc bị hư hại) nói: “Tiền bồi thường chúng tôi đã nhận đủ nhưng do nhiều hộ dân đang đi làm nên việc phân chia chưa được thực hiện. Việc Công an tỉnh Hải Dương bồi thường đã giúp tôi giải tỏa phần nào uất ức và vững lòng tin rằng việc vận chuyển bạch tuộc sau này sẽ không bị làm khó nữa. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục gửi bạch tuộc ra Bắc để bán”.

Ông Trần Văn Nam (hộ dân có 223 kg bạch tuộc bị thiệt hại) vui mừng: “Tôi cứ nghĩ rằng chắc còn lâu lắm mới giải quyết được bởi các thủ tục hành chính rất rườm rà mà sự việc lại xảy ra mãi ở ngoài Hải Dương. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan ngôn luận, chính quyền và những người hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ cho các hộ dân vượt qua khó khăn này...”.

Bà Nguyễn Thị Phỉ là người đã hỗ trợ, đồng hành cùng các hộ dân, cho biết mình là người làm lâu năm trong lĩnh vực thủy sản. Thấy những người dân đánh bắt bạch tuộc ở Cần Giờ phải khó nhọc mới thu hoạch được sản phẩm trong khi cuộc sống rất khó khăn có lúc lại bị một nhóm người thu mua ép giá nên bà đứng ra hướng dẫn, giúp người dân khi đánh bắt được bạch tuộc thì đóng thùng đem thẳng ra sân bay, gửi cho người quen của bà ngoài Bắc để bán được giá cao.

Bà Nguyễn Thị Phỉ (bìa phải)và các chủ lô hàng bạch tuộc bàn thảo việc khiếu nại yêu cầu bồi thường. Ảnh: HỒNG TÚ

Khi nghe tin xe hàng chở bạch tuộc bị Công an tỉnh Hải Dương bắt, bà Phỉ lo lắng nếu không được bảo quản tốt bạch tuộc sẽ chết và hư hỏng nên ứng trước chi phí để người dân ra đó khiếu nại. Bà nói: “Tôi không có liên quan gì trong sự việc này. Do là người có hiểu biết trong lĩnh vực thủy sản, thấy cuộc sống người dân khó khăn và nếu không giải quyết được sự việc này thì người cháu của tôi làm công việc phân phối bạch tuộc tại các tỉnh phía Bắc cũng sẽ không có công ăn việc làm, nên tôi đã đứng ra đại diện cho các hộ dân đòi lại công bằng!”.

Chưa rõ nguồn gốc tiền bồi thường

Ngày 12-6, trả lời một tờ báo mạng, Đại tá Cao Ngọc Lan - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sử dụng nguồn kinh phí của Công an tỉnh Hải Dương tạm ứng để giải quyết bồi thường với người dân. Còn việc làm rõ trách nhiệm những người liên quan sẽ giải quyết trong thời gian tới”.

Trong khi đó, một thông tin đáng chú ý trên TNO: “Để có 650 triệu bồi thường cho bà con ngay sau buổi làm việc, Công an tỉnh Hải Dương đã mượn tiền của một người Hải Dương làm ăn tại TP.HCM. Chỉ 40 phút sau, người này đã mang tiền đến Công an phường Nguyễn Cư Trinh để Công an tỉnh Hải Dương giao cho các chủ hàng”.

Để làm rõ chi tiết tại sao công an lại mượn tiền dân để bồi thường và người dân này có liên quan gì đến sự việc vừa xảy ra không, Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với Đại tá Cao Ngọc Lan. Tuy nhiên, Đại tá Lan cho biết: “Do sai sót của một vài cán bộ nên dẫn đến sự việc đáng tiếc, chúng tôi đã vào tận nơi nghe người dân trình bày và giải quyết thỏa đáng. Những nội dung khác đã được nhiều báo thông tin, tôi xin không trả lời”.

Ai phải bồi thường?

Ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư phápcho biết:

Vụ việc này thuộc phạm vi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) điều chỉnh. Khi xác định có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ (THCV) dẫn đến thiệt hại thì Nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân. Việc Công an tỉnh Hải Dương chủ động thỏa thuận và ứng kinh phí bồi thường nhanh chóng cho người dân là rất đáng khen vì tạo thuận lợi cho người dân. Nhưng tất cả cũng phải thực hiện đúng theo Luật TNBTCNN. Tức là sau đó, tùy mức độ lỗi của người THCV, cơ quan chi trả bồi thường (Công an tỉnh Hải Dương) quyết định khoản tiền mà cá nhân ấy phải hoàn trả cho ngân sách.

. Người THCV có lỗi gây ra thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền ngân sách đã chi bồi thường ra sao, thưa ông?

+ Theo Luật TNBTCNN và Nghị định 16 thì căn cứ vào mức độ lỗi của người THCV, mức độ thiệt hại đã gây ra và điều kiện kinh tế của người THCV, hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả sẽ quyết định mức tiền hoàn trả. Theo đó, với lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của họ tại thời điểm quyết định việc hoàn trả; Lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì số tiền bồi thường tối đa không quá ba tháng lương. Còn lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi trái pháp luật đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp nhiều người THCV gây ra thiệt hại thì họ có nghĩa vụ liên đới hoàn trả.

. Vậy bao giờ thì người THCV có lỗi phải hoàn trả tiền bồi thường cho ngân sách?

+ Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, cơ quan có trách nhiện bồi thường (Công an tỉnh Hải Dương) phải thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm, mức hoàn trả đối với những người THCV đã gây ra thiệt hại.

Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ban hành quyết định hoàn trả trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đã chi trả xong tiền bồi thường. Người THCV có thể thực hiện việc hoàn trả một lần hoặc nhiều lần.

. Nếu họ không có tiền hoàn trả cho ngân sách tiền bồi thường thì sao, thưa ông?

+ Việc hoàn trả có thể được thực hiện bằng cách trừ dần vào lương hằng tháng của người THCV, mức tối thiểu không dưới 10% và tối đa không quá 30% thu nhập. Còn nếu họ cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả dù đã được thông báo đến lần thứ ba thì bị xử lý kỷ luật.

. Xin cảm ơn ông.

BÌNH MINH ghi

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới