'Unlock' điện thoại cũng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Sáng nay (27-8), Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức hội nghị phổ biến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, những cam kết quan trọng về vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) và những điều cần lưu ý.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết EVFTA đang tạo ra cho chúng ta cơ hội rất lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh, cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của chúng ta.

Tuy nhiên, để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AH


Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Nếu như trước đây chỉ có các đối tượng như quyền tác giả, các quyền liên quan được bảo hộ SHTT thì đối với EVFTA, bảo hộ cả những quyền về biện pháp kỹ thuật được sử dụng hay những thông tin liên quan đến quyền đó. Ví dụ, không phải chúng ta làm hàng giả, hàng nhái mới vi phạm Luật SHTT mà kể cả việc phá mã một điện thoại iPhone hay một sản phẩm SHTT thì hành động đó cũng vi phạm SHTT".

Ngoài ra, bà Trang cũng cho rằng hiện nay mức độ quan tâm của người dân và doanh nghiệp nước ta đến SHTT còn ít. Ngoài những trường hợp thu nhập thấp nhưng thích dùng đồ sang nên dù biết là hàng giả, hàng nhái vẫn mua thì ở rất nhiều vùng nông thôn người dân đang sử dụng hàng vi phạm mà không hề hay biết. Tức là bản thân họ cũng đang bị lừa.

Liên quan đến pháp luật về SHTT, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cũng chỉ ra những bất cập: "Thực tiễn cho thấy hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vi phạm, tịch thu tang vật...".

Phiên thảo luận tìm giải pháp để thực thi hiệu quả các cam kết SHTT trong EVFTA. Ảnh: AH

Ông Linh cho biết hiện có bốn cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ. Đó là các quy định: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành và nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm.

Trao đổi thêm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định: "Nhìn chung, đa số các cam kết về SHTT trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là phù hợp với pháp luật Việt Nam. 

Tuy nhiên, hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng hai năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực...".

Cùng với việc tích cực chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã và đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thi hành đầy đủ và hiệu quả các cam kết Hiệp định EVFTA. 

Theo đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược SHTT đến năm 2030 vào ngày 22-8 vừa qua, trong đó gồm nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT vào năm 2030.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm