Lý do bầu Đức liên tục bán tài sản

Mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL) quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Đông Pênh, công ty con của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cho Công ty Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi. Thadi là công ty con của tỉ phú USD Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco).

Bán tài sản để có vốn kinh doanh

Trước đó bầu Đức cũng đã chuyển nhượng Công ty Đông Dương cho Thadi. Cả hai công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực cao su. Trả lời báo chí, bầu Đức giải thích việc chuyển nhượng hai công ty con nhằm thu dòng tiền trả nợ đến hạn. Mặc dù không tiết lộ số tiền chuyển nhượng nhưng theo báo cáo tài chính của HNG, giá gốc của hai công ty này hơn 4.000 tỉ đồng. Bầu Đức cũng đã bán các nhà máy thủy điện để có tiền đầu tư và tái cấu trúc nợ.

Như vậy, trong mấy tháng gần đây bầu Đức liên tục bán tài sản của HNG. Nhưng đó chỉ là một phần trong cuộc chơi của bầu Đức. Bởi cùng với việc bán tài sản, ông còn liên tiếp xả hàng cổ phiếu HNG ra thị trường.

Cụ thể, vào đầu tháng 8 vừa qua, ông Trần Bá Dương đã chi hơn 1.000 tỉ đồng để mua 50 triệu cổ phiếu HNG do Công ty Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ bán ra. Trước đó ông Dương cũng đã bỏ ra số tiền không nhỏ để mua 30 triệu cổ phiếu HNG.

Việc liên tục bán tài sản và cổ phiếu khiến bầu Đức phải “trả giá”. Trước hết, ông sẽ không còn khoản thu đến từ cao su. Thứ hai, ông đang giảm dần tỉ lệ sở hữu tại công ty đầy tâm huyết HNG (hiện bầu Đức chỉ còn duy trì 49,25% cổ phần có quyền biểu quyết tại HNG). Thứ ba, một khi giảm dần tỉ lệ sở hữu thì đóng góp doanh thu của HNG vào công ty mẹ HAGL sẽ giảm tương ứng.

“Hiện các khoản nợ của HAGL dù có giảm nhưng vẫn là con số lớn. Nhiều khoản nợ đã đến kỳ trả nợ và HNG đổi chiến lược đầu tư, chuyển sang cây ăn trái đòi hỏi thời gian trồng và thu hoạch nên chưa thể tạo ra dòng tiền ngay. Vì các lý do đó, phương án bán tài sản, cổ phiếu để có nguồn tiền mặt giải quyết nhu cầu cấp bách về vốn là dễ hiểu” - chuyên gia tài chính Trần Đình Phương phân tích.

Bầu Đức khẳng định sự hợp tác giữa HAGL và Thaco đang rất thuận lợi.  Trong ảnh: Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (trái) và bầu Đức.

Bầu Đức tự tin sẽ vượt qua khó khăn

Thực ra chuyện bán tài sản cũng như việc liên tục thay đổi lĩnh vực kinh doanh của bầu Đức không quá xa lạ, bởi thực tế cho thấy ông khá linh động thay đổi trước diễn biến thất thường của thị trường. Chẳng hạn bầu Đức thành công từ mảng kinh doanh bất động sản nhưng khi gặp khó khăn cũng từ chính lĩnh vực đó và năm 2012, ông chuyển sang kinh doanh nông nghiệp, tập trung vào cao su, mía đường, bò.

Theo một số chuyên gia, bầu Đức không chỉ đơn giản là bán tài sản để trả nợ mà còn là việc ông dám chấp nhận loại bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả để dồn tiền cho những khoản đầu tư tiềm năng. Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng việc bán tài sản này có thể không khiến bầu Đức thua thiệt khi cổ phần và công ty con chủ yếu được chủ tịch HAGL bán cho Thaco, đơn vị cam kết đồng hành và cũng dành tâm huyết cho mảng nông nghiệp. Cụ thể, Thaco đã cam kết đầu tư và tái cơ cấu nợ gần 1 tỉ USD cho bầu Đức.

Tại đại hội thường niên vừa qua, bầu Đức cũng phát biểu với cổ đông: “Thaco có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của HNG vì đã hỗ trợ vốn cho công ty đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái, thanh toán các khoản nợ đến hạn. Đồng thời, Thaco cũng giúp cải tiến công tác quản trị sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp; sắp xếp lại công tác kho vận, giúp nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm”.

Ông Đức cũng tin khi có nguồn sức mạnh cộng hưởng, nội lực được củng cố, HNG sẽ thực sự vượt qua được giai đoạn khó khăn để bước vào giai đoạn phát triển bền vững, vươn xa tầm châu lục. Ông dẫn chứng từ năm 2015 đến 2017, khi giá cao su sụt giảm sâu, tình trạng công ty hết sức khó khăn. Trước tình hình này, năm 2017, công ty quyết định tận dụng quỹ đất dôi dư để trồng cây ăn trái với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Kết quả năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu khả quan với mức 2.352 tỉ đồng, đóng góp 63,8% tổng doanh thu của công ty.

“Một khi các bên tạo ra một công ty HNG mạnh, tăng trưởng bền vững, có nghĩa rằng bầu Đức sẽ ghi nhận được thành quả từ HNG theo tỉ lệ sở hữu tương ứng. Qua đó thúc đẩy được giá cổ phiếu HAGL” - ông Phương phân tích.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng đánh giá rất cao mảng trái cây của HNG vì công ty đang sở hữu quỹ đất rất lớn, tập trung. “Nếu HNG có thể đi sâu vào hệ thống phân phối tại Trung Quốc, xây dựng kênh tiêu thụ ổn định thì trái cây sẽ là con đường để vực dậy HAGL và HNG” - Bảo Việt nhận định.

Đã bớt khó khăn

Theo một số chuyên gia, việc một công ty bán tài sản hay cổ phiếu nằm ở hai khả năng: Có nguồn tiền mặt để trả nợ hoặc đầu tư. Các công ty của bầu Đức đều vướng hai trường hợp này. Ví dụ với mía đường, bầu Đức đã bỏ cả 100 triệu USD để đầu tư chuỗi khép kín nhưng khi kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, ông bán lại mảng mía đường cho đại gia mía đường Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công.

Tương tự, bầu Đức từng tuyên bố “bán nhà cũng phải trồng cao su” không phải là không có lý khi thời điểm đó giá cao su tăng mạnh, giúp đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, ông chỉ thành công trong năm đầu, vì giá cao su đột ngột quay đầu, cùng với đó lãi vay lớn khiến ông rơi vào tình thế khó khăn khi dòng tiền không đủ trả nợ…

Tuy vậy, ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2019 cho thấy tổng vay nợ ngắn và dài hạn của HAGL là 17.628 tỉ đồng, giảm 4.126 tỉ đồng so với đầu kỳ. Riêng nợ vay dài hạn giảm đáng kể từ 14.804 tỉ đồng về 11.240 tỉ đồng.Tương tự, HNG ghi nhận tổng nợ vay 12.218 tỉ đồng, giảm 3.212 tỉ đồng so với đầu năm.

Những dấu hiệu này thể hiện dòng tiền thực tế của doanh nghiệp cải thiện đáng kể so với giai đoạn khó khăn trước đó. Dù vậy, áp lực mất cân đối tài chính vẫn còn khá nặng vì hệ số nợ trên vốn HAGL vẫn còn tương đối cao. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm