Ước mơ miền Tây

17 triệu dân ĐBSCL sung sướng dõi mắt theo sự kiện lịch sử đó. Chiếc phà cuối cùng trên quốc lộ 1 cũng chấm dứt sứ mệnh lịch sử để giao thông liền mạch từ Bắc chí Nam. Cây cầu mơ ước đó giống “một con rồng trắng nhìn xuống dòng sông tuyệt đẹp”, như lời ví von của đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA. Thông xe chiếc cầu hiện đại đó cũng đồng nghĩa với chuyện bỏ lại sau lưng một khoảng dài đò giang trắc trở để vùng đất mới đồng bằng trở mình vươn lên.

Cầu Mỹ Thuận rồi cầu Rạch Miễu, giờ đây là cầu Cần Thơ và cầu Hàm Luông, thời cơ như đang rộng mở khi vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL nối liền với TP.HCM, với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song ước mơ đồng bằng như chưa dừng lại ở chiếc cầu trên bến phà cuối cùng trên quốc lộ 1 ấy. Một vùng đất lắm sông nhiều rạch luôn trăn trở chuyện rút ngắn thời gian, rút ngắn khoảng cách. Vùng đất ấy đôi khi chỉ cách nhau chục cây số mà phải vượt con đường vòng cả trăm cây số.

Cầu Rạch Miễu trên sông Tiền xóa “ốc đảo” Bến Tre. Cầu Hàm Luông băng qua sông Hàm Luông xóa cách ngăn cù lao Minh - cù lao Bảo đất Bến Tre, rút ngắn khoảng cách về Trà Vinh. Từ đây về Trà Vinh chỉ khoảng 50 km, song chỉ tiếc là cuối con đường Bến Tre qua Trà Vinh vẫn lụy phà Cổ Chiên. Nếu không muốn lụy phà thì phải đi đường vòng dài đến 135 km. Hay từ cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) về An Giang chỉ khoảng 40 km, đây cũng là tuyến ngắn về Kiên Giang. Nhưng tuyến đường ngắn ấy cũng lại phải vượt phà Vàm Cống (đi đường vòng không qua phà phải mất đến 100 km).

Những hồi còi dài trên dòng Hậu Giang mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn kết thúc chuyến phà cuối tại Cần Thơ như một lời báo rằng nhịp cuối cùng đã bắc qua cách trở, nghĩa là con đường thiên lý đã nối liền từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau. Nhưng xin đừng chỉ dừng lại ước mơ ở đó, bởi vùng đồng bằng miền Tây sông nước vẫn còn nữa nhiều dòng sông cần sớm kết nối bằng những chiếc cầu để những cung đường trọn vẹn chuyến xe đi cho miền Tây cất cánh.

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm