Một số người dân sống tại chung cư Eco Green SaiGon (quận 7, TP.HCM) phản ánh mức phí quản lý quá cao trong khi chất lượng dịch vụ không đảm bảo.
Đáng chú ý, có người không đóng phí quản lý đã bị Ban quản lý (BQL) chung cư cắt nước sinh hoạt; còn một số cư dân khác cũng đã nhận được thông báo từ BQL về việc sẽ tạm ngưng cung cấp dịch vụ cấp nước vì nợ phí quản lý.
Không đóng phí quản lý, bị cắt nước sinh hoạt
Anh LNT (block H, chung cư Eco Green SaiGon) cho biết trong quá trình sinh sống tại chung cư, căn hộ của anh luôn đóng tiền điện, nước đầy đủ. Tuy nhiên, BQL chung cư thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn thu phí quản lý 15.000 đồng/m² là quá cao trong khi chất lượng dịch vụ không đảm bảo và nhiều vấn đề khác.
Với những bức xúc trên, anh T đã đại diện cho hơn 100 cư dân đang sinh sống tại chung cư gửi mail cho BQL để yêu cầu đơn vị này đối thoại với cư dân. Ngoài ra, cư dân cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để yêu cầu can thiệp.
“Trước tình trạng này, tôi và một số cư dân tạm ngưng đóng phí quản lý chờ được giải quyết thỏa đáng. Dù chưa giải quyết xong kiến nghị của chúng tôi, BQL đã tự động cắt nước sinh hoạt của chúng tôi” - anh T bức xúc.
Một trường hợp khác, chị NTHT (căn hộ HR3, chung cư Eco Green SaiGon) kể: Ngày 24-4, có một người đến bấm chuông liên tục nhà tôi. Vì không muốn tiếp nên tôi đã gọi cho an ninh tòa nhà đến mời người này đi nhưng không ai bắt máy. Lúc đó, tôi không biết xử lý thế nào nên đã lên group cư dân trình bày sự việc để nhờ mọi người giúp đỡ. Sau đó, tôi được hướng dẫn gọi điện thoại cho đường dây nóng của BQL thì khoảng 10 phút sau mới có bảo vệ lên mời người này đi.
Từ vụ việc trên, ngày 25-4, BQL có mời tôi lên làm việc, tuy nhiên trong biên bản làm việc có nội dung không đúng với thực tế nên tôi không đồng ý ký vào.
“Đến ngày 9-5, BQL ra thông báo yêu cầu tôi phải ký vào biên bản làm việc liên quan đến vụ việc trên, nếu không BQL sẽ cắt dịch vụ nước căn hộ. Tối cùng ngày căn hộ của tôi bị cắt nước. Tối 11-5, tôi gửi xe, thẻ gửi xe cũng bị khóa. Quá bức xúc tôi đã nhờ đến công an phường can thiệp thì được mở nước và dịch vụ gửi xe. Dù được mở nước và gửi xe lại nhưng tôi vẫn còn rất bức xúc trước cách làm việc của BQL" - chị HT phản ánh.
Thành phố từng yêu cầu giải quyết dứt điểm
Liên quan đến đơn kiến nghị của cư dân chung cư Eco Green SaiGon, vào ngày 29-3, Văn phòng UBND TP.HCM đã có công văn gửi Sở Xây dựng và UBND quận 7 với nội dung: Giao UBND quận 7 phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra rà soát, có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc.
Ngày 3-4, UBND quận 7 có công văn giao Phòng Quản lý đô thị quận 7 xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả giải quyết đến Văn phòng UBND TP và Ban Tiếp công dân, Văn phòng UBND quận 7.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND phường Tân Thuận Tây, quận 7 cho biết ngày 6-5, anh LNT có đến UBND phường Tân Thuận Tây làm việc liên quan đến những phản ánh của anh. Tại cuộc họp, UBND phường ghi nhận những ý kiến của anh T và 8 hộ dân đi cùng, xoay quanh chất lượng dịch vụ kém và mức thu phí 15.000 đồng/m² là cao, các khoản thu - chi không rõ ràng minh bạch, BQL không có các kênh thông tin để trao đổi lắng nghe, giải quyết yêu cầu của cư dân.
Đồng thời, anh T đề nghị BQL mở lại nước cho gia đình anh vì đã bị cắt từ trưa 6-5 do còn nợ phí quản lý...
Ngày 7-5, chủ tịch UBND phường chủ trì cuộc họp làm việc và hòa giải những nội dung trên. Thành phần tham dự có chủ đầu tư, BQL; ông T…
Tại cuộc họp, phía BQL đề nghị anh T thanh toán phí dịch vụ còn nợ thì sẽ cung cấp dịch vụ nước ngay nhưng anh T không đồng ý mà yêu cầu BQL mở nước, chờ đến khi có quyết định của Tòa án thì thực hiện theo quyết định của Tòa án. Chính quyền, Công an phường và các đoàn thể cùng có các phân tích, góp ý để các bên có tiếng nói chung.
Chủ tịch UBND phường kết luận đề nghị các bên trao đổi với tinh thần thiện chí, hợp tác, vì quyền và nghĩa vụ chính đáng của mình, trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã ký kết; đồng thời yêu cầu các bên đảm bảo an ninh trật tự chung trên địa bàn phường.
Tại kết luận cuộc hòa giải, hai bên cùng bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, đến 20 giờ 15 cùng ngày, đại diện BQL có thông tin lại là anh T đã thanh toán các khoản nợ phí và BQL đã mở cung cấp lại các dịch vụ của hộ anh T.
Ban quản lý đã làm đúng theo hợp đồng mua bán căn hộ
Liên quan đến phản ánh của cư dân, ông Vũ Mạnh Hưng, Đại diện BQL chung cư Eco Green SaiGon, cho biết việc BQL ngưng cung cấp dịch vụ cho căn hộ anh T là đúng theo hợp đồng mua bán căn hộ.
Cụ thể, nếu chủ căn hộ nợ phí quản lý thì BQL được tạm ngưng dịch vụ. Việc cư dân nghĩ nộp tiền nước không được cắt nước tuy nhiên, BQL ký hợp đồng với công ty cấp nước. BQL có trách nhiệm vận chuyển nước lên mái và phân phối đến từng căn hộ. Mặt khác, tiền mua nước sinh hoạt, BQL thu đúng theo giá của công ty cấp nước; còn tiền trung chuyển, vận hành được sử dụng trong phí vận hành.
Về việc anh T cho rằng dịch vụ không tương xứng với mức phí quản lý, thực tế là hiện tại các dịch vụ tại chung cư này được đánh giá là tốt.
Đối với trường hợp của chị HT với sự việc xảy ra ngày 24-4, chị HT phản ánh chưa đúng với sự thật nên BQL đã mời chị này ba lần lên làm việc để xác định lại nhưng chị không đến.
Việc tạm thời ngưng dịch vụ đối với trường hợp của chị HT với mục đích để chị đến BQL làm việc. Sau khi làm việc với công an phường thì BQL đã cấp lại các dịch vụ cho hộ của chị.
Nếu trong hợp đồng không thỏa thuận thì việc BQL cắt nước là sai
Điều 42 Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng quy định về quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư (gọi tắt là BQL). Theo đó, BQL phải thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Quy chế ban hành theo Thông tư 02/2017, quy chế quản lý nhà chung cư nơi BQL đang quản lý và theo hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành đã ký với Ban quản trị nhà chung cư (Đối với trường hợp chưa thành lập Ban quản trị thì dựa theo hợp đồng với cư dân).
Đồng thời BQL thực hiện các quyền và trách nhiệm khác theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, trường hợp trong quy chế, hợp đồng giữa BQL với ban quản trị nhà chung cư (cư dân) có nội dung, chế tài liên quan đến việc cắt điện, nước nếu người sử dụng nhà chung cư vi phạm thì BQL được phép thực hiện. Còn trong quy chế, hợp đồng các bên không thỏa thuận nội dung này mà BQL nhà chung cư cắt điện, nước người sử dụng nhà chung cư là không đúng.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM