Khánh thành cầu Cần Thơ: Đường thiên lý đã liền mạch

Từ tờ mờ sáng 24-4, hàng chục ngàn người dân đã tụ tập tại khu vực đường dẫn vào cầu Cần Thơ ở cả bờ Vĩnh Long và Cần Thơ để chứng kiến thời khắc lịch sử: Chiếc cầu cuối cùng trên “đường thiên lý” quốc lộ 1A chính thức được khánh thành.

Có mặt trong đám đông, cụ Lê Văn Hải (83 tuổi) bày tỏ: “Từ 4 giờ sáng tôi đã giục con cháu chở đến đây để được chứng kiến sự kiện này. Đúng là mừng rơi nước mắt! Tôi sống gần trăm năm nhưng đây là lần đầu tiên tận mắt thấy một cây cầu ngon lành như vầy”. Niềm vui của cụ Hải cũng chính là tâm trạng chung của hàng triệu trái tim người dân bên bờ sông Hậu, khu vực ĐBSCL và cả nước.

Khánh thành cầu Cần Thơ: Đường thiên lý đã liền mạch ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố khánh thành cầu Cần Thơ. Ảnh: GIA TUỆ

Đúng 9 giờ 50, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng long trọng tuyên bố khánh thành và chính thức đưa công trình cầu Cần Thơ vào sử dụng. Thủ tướng phát biểu: “Ước mơ của người dân ĐBSCL và cả nước giờ đây đã thành hiện thực. Ngoài ý nghĩa về kinh tế, cầu Cần Thơ còn có tác động thúc đẩy sự phát triển về chính trị-xã hội, văn hóa và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là biểu tượng sinh động, công trình thiết thực trong quá trình hiện đại hóa đất nước”. Thủ tướng nhấn mạnh cây cầu là biểu hiện của tình hữu nghị Việt-Nhật, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân Nhật Bản và Việt Nam đã đóng góp vào việc xây dựng cầu Cần Thơ. Ông Dũng cũng gửi lời cảm ơn đến chính phủ các nước, các nhà tài trợ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Tại buổi lễ, ngài Mitsuo Sakaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, phát biểu: “Cầu Cần Thơ hoàn tất là động lực phát triển kinh tế-văn hóa xã hội vùng ĐBSCL, là công trình của tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Tôi cũng xin chân thành gửi đến gia đình các nạn nhân đã ngã xuống trong quá trình xây dựng cây cầu lòng biết ơn và niềm thương tiếc sâu sắc”.

Một vài con số về cầu Cần Thơ

Cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (dài 550 m), tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Chiều dài toàn tuyến là 15,85 km, trong đó đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km; cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75 km và đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km.

Cầu Cần Thơ rộng 23,1 m, gồm bốn làn xe, mỗi làn 3,5 m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75 m. Độ tĩnh không thông thuyền cao 39 m (với chiều rộng tương ứng 200 m), đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại. Tổng chiều cao của trụ cầu tính từ mực nước trung bình là 164 m.

Đến 10 giờ cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị lãnh đạo trung ương, bộ ngành và ngài Mitsuo Sakaba cùng cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ. 10 giờ 15, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng ngài Mitsuo Sakaba thực hiện nghi thức kéo tấm vải đỏ tại bảng tên cầu Cần Thơ. Sau đó, các đoàn xe ôtô đầu tiên chầm chậm lăn bánh qua cây cầu lịch sử nối liền hai bờ sông Hậu. Đây được xem là bước ngoặt mới, tạo thuận lợi để khu vực ĐBSCL chuyển mình vươn xa, vươn cao.

Thủ tướng đi chuyến phà cuối cùng vượt sông Hậu

Khánh thành cầu Cần Thơ: Đường thiên lý đã liền mạch ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại lễ khánh thành cầu Cần Thơ. Ảnh: GIA TUỆ

16 giờ 30 ngày 24-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ cán bộ, công nhân viên Cụm phà Hậu Giang (nay là Công ty TNHH nhà nước một thành viên quản lý, khai thác cầu Cần Thơ) và đi chuyến phà cuối cùng vượt sông Hậu. Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao huân chương Lao động hạng Nhì cho Cụm phà Hậu Giang. Đúng 17 giờ 30, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã ấn nút còi hiệu đánh dấu thời khắc chuyến phà cuối cùng vượt sông Hậu, đồng thời cũng là thời khắc tất cả loại xe được lưu thông qua cầu Cần Thơ.

Bến Tre đã không còn bị chia cắt

Cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông đã phá thế ốc đảo của ba dãy cù lao thuộc tỉnh Bến Tre.

Chiều 24-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Hàm Luông trên tuyến quốc lộ 60.

Chỉ 30 phút sau khi cắt băng khánh thành, chiếc cầu đã tràn ngập dòng người, xe cộ các loại lao vun vút từ miệt vườn cù lao Minh sang TP Bến Tre. Đi theo chiều ngược lại về phía Mỏ Cày có không ít xe gắn máy, xe khách, xe tải chờ qua cầu để đến bến phà Cổ Chiên về Trà Vinh…

Anh Lý Văn Bình, tài xế xe tải quê ở Trà Cú, hồ hởi: “Thay vì qua phà Hàm Luông như mọi khi, hôm nay bọn tôi đã chờ gần 3 giờ đồng hồ để tận hưởng cảm giác sung sướng khi đi trên chiếc cầu mơ ước từ bao đời nay”.

Cầu Hàm Luông khởi công đầu tháng 4-2007, xây dựng cách phà Hàm Luông 2,3 km về phía thượng lưu. Tổng chiều dài toàn dự án là 8,2 km, trong đó cầu chính dài 1.280 m, mặt cầu rộng 16 m, chiều cao thông thuyền 20,5 m, tổng vốn đầu tư 786 tỉ đồng. Đây là chiếc cầu có nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực, đúc hẫng cân bằng với khẩu độ rộng 150 m (lớn nhất tại Việt Nam).

Cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông đã phá thế ốc đảo chia cắt của ba dãy cù lao thuộc tỉnh Bến Tre, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cho các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ. Đi theo tuyến này, đoạn đường từ TP.HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng… sẽ rút ngắn 70 km. Cầu Hàm Luông còn là công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong vùng dự án đã sớm bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để công trình hoàn thành đúng tiến độ.

TÂM PHÚC

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm