Tại hội thảo “Triển vọng xuất khẩu năm 2024” tổ chức tại TP.HCM vào sáng 15-5, các chuyên gia cho rằng Châu Âu hay các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về ESG như chiến lược đối với dệt may tuần hoàn và bền vững; quy định thuế nhập khẩu carbon và cơ chế điều chỉnh carbon…
Các quy định này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam phải có lộ trình chuyển đổi, các cải tiến kỹ thuật – quy trình để các đáp ứng tiêu chuẩn đó.
ESG không còn là phong trào
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cùng với những áp lực về tỉ giá, lãi suất, thì DN Việt đang đối mặt với bài toán xanh hóa, để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị) trong vấn đề đầu tư bền vững.
ESG không còn là phong trào mà đang được xem là chìa khóa phát triển mạnh mẽ và dài hạn trong mọi lĩnh vực.
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng nhìn nhận: ESG là câu chuyện sống còn của DN.
“Nếu như trước đây, các nước châu Âu EU quan tâm tới chất lượng số 1 rồi tới giá thành, thì hiện nay chứng chỉ xanh đứng đầu, sau đó mới tới chất lượng và giá thành. Đây chính là thách thức cho DN trong việc chuyển đổi kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất để giảm thiểu phát thải ròng bằng 0, cũng như có các chính sách về bù trừ tín chỉ carbon..”- ông Thọ nói.
Theo các chuyên gia, những ngành nghề đang chịu nhiều áp lực của EGS hiện nay là dệt may, gỗ, xi măng, thép…
“Thực tế đã có trường hợp doanh nghiệp dệt may không đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia xuất khẩu về chỉ số xanh, các yêu cầu về ESG mà đã chuyển đổi sang lĩnh vực bất động sản”- TS Võ Trí Thành nói.
Cũng theo vị này, khi bước vào cuộc đua ESG, áp lực tài chính sẽ khiến DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ sẽ đuối trong cuộc đua này.
“Tuy nhiên nói như vậy, không phải để chúng ta bỏ cuộc, cuộc đua xanh hóa phải đi đôi với chuyển đổi số, phải làm mọi cách để giảm chi phí trong doanh nghiệp”- TS Thành nói
Giải pháp cho DN trước bài toán xanh hóa
Trước những áp lực này, theo các chuyên gia, DN ngoài phát triển sản phẩm thì cần lưu ý các vấn đề biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học cũng như vấn đề nhân quyền.
“Trước hết DN cần định vị lại chiến lược về thị trường sản phẩm, sau đó nhìn lại chuỗi cung ứng, công nghệ sản xuất cũng như tính toán được các rủi ro xuất khẩu. Cuối cùng là có sự chuẩn bị nguồn nhân lực (như có cam kết không sử dụng nhân lực nô lệ) và dữ liệu đối với thị trường xuất khẩu.
Trong đó cần đẩy mạnh thêm các hoạt động về hoạch tính cho tương lai, cần có một nguồn ngân sách riêng cho việc đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển). Tại đây DN cần quan tâm cải tiến sản xuất, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải”- PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nói.
Bổ sung thêm, TS Võ trí Thành cho rằng, để hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường một cách hiệu quả hơn, DN cần có chiến lược cụ thể đối với từng loại hàng hóa theo nhu cầu của từng nhóm nước phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô và sự biến động lãi suất và tỉ giá. Cũng như các quy định về ESG đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện một DN tham gia hội thảo cho rằng, để hướng tới ESG, cần một nguồn tài chính rất lớn, mà khi đó DN không thể đi một mình.
“Chúng tôi cần phải có hệ sinh thái quỹ vay lớn chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững”- vị này nói.
Ở góc độ tài chính, ông Trần Hoài Nam, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Vietinbank cho biết, chi phí để doanh nghiệp hướng tới NET ZERO là vô cùng lớn.
Hiện nay Vietinbank đã đưa ra các giải pháp như cung cấp gói vay dành cho doanh nghiệp có các chính sách, kế hoạch chuyển đổi xanh.
“Chúng tôi có các gói tín dụng riêng dành cho việc chuyển đổi này với mức lãi suất thấp hơn 1 -2% so với lãi suất ở gói vay thông thường.
Trong năm qua chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp về giải ngân online, nhằm tiết giảm chi phí in ấn, di chuyển cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí phát sinh cho DN"- ông Nam nói.
Theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, DN xuất khẩu Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ đối tác, khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về điều kiện phải chuyển đổi lên bền vững, đáp ứng điều kiện môi trường, năng lượng sạch, lao động…
Hiện nay quy định, chính sách về tăng trưởng xanh, bền vững cũng liên tục được các quốc gia tại EU cập nhật. Do đó DN cần nắm bắt có có bước chuyển đổi phù hợp.