"Tình hình xuất khẩu đang có những diễn biến tích cực, trong đó có thị trường Trung Quốc. Đây vốn là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp (DN) Việt, nhưng cũng đặt ra vô số thách thức về tính cạnh tranh thương hiệu, chất lượng và những rủi ro về nhận thức". Các chuyên gia nhận định như trên tại hội thảo "Triển vọng thị trường xuất nhập khẩu" do Ngân hàng VietinBank tổ chức tại TP.HCM ngày 15-5.
Thách thức từ thị trường tỉ dân
Theo TS Đào Việt Anh, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế - Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, có ba thách thức mà DN Việt Nam đang phải đối mặt với thị trường Trung Quốc.
Đầu tiên đến từ những điều chỉnh về chính sách, quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
Hiện nay các luật định về pháp lý đang được Trung Quốc liên tục điều chỉnh, trong đó có luật an toàn thực phẩm. Các chính sách quản lý về nhập khẩu nông thủy sản cũng được siết chặt khi chính quyền nước này chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ định, hay tăng cường truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường thực thi pháp luật như chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính sách để giám sát và thực hiện
Thứ hai là sự cạnh tranh lớn từ các thị trường xuất khẩu khác như Thái Lan, Malaysia; các tuyến vận chuyển mới từ Lào, Thái Lan cho tới các nguồn lực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại.
Thứ ba là sự chủ quan về thị trường khi nhiều đơn vị vẫn cho rằng Trung Quốc là thị trường nhập khẩu dễ tính. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách về xuất nhập khẩu của nước này đã có sự thống nhất cao từ trung ương tới địa phương.
Ở khía cạnh này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chia sẻ thêm: DN Việt Nam cần đặt câu hỏi vì sao sầu riêng Thái Lan lại được coi như hoa hậu, còn Việt Nam thì không?Tới mùa thu hoạch sầu riêng Thái Lan vẫn lấn lướt sầu riêng Việt dù giá cao? Điều này theo ông Thành nằm ở việc quảng bá xây dựng thương hiệu và sự kết nối với thị trường.
"Một thực tế tôi nhận ra khi tham gia các hội chợ của Trung Quốc, là sự kết nối của DN Việt với các tập đoàn phân phối lớn của Trung Quốc còn khá lỏng lẻo, thua cách Thái Lan đang làm. Điều này sẽ hạn chế tính cạnh tranh của DN Việt"- ông Thành đề cập tính cạnh tranh hàng Thái Lan.
Một trong những rào cản khác được ông Thành đặt ra là tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Trung Quốc quá lớn.
"Hiện tại giao dịch thương mại điện tử chiếm tới 60% tổng giao dịch tại Trung Quốc, chưa kể Trung Quốc còn xây dựng các tổng kho sát biên giới Việt Nam. Điều này tạo ra thách thức và bài toán cho DN về khía cạnh tiếp cận thị trường"- TS Thành lưu ý.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã kết hợp cùng với sàn Alibaba.com xây dựng gian hàng quốc gia, nhằm đưa hàng Việt tiếp cận sâu và rộng hơn đối với Trung Quốc. Ngoài ra, DN Việt cũng cần chú trọng khai thác tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc, điều mà ít DN nào chú trọng tới, trong khi hệ thống vận tải này đang được Trung Quốc đầu tư đẩy mạnh"- TS Đào Việt Anh khơi gợi.
Lối đi cho doanh nghiệp Việt
Trước áp lực từ nguồn hàng Trung Quốc, theo TS Đào Việt Anh, DN Việt cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu phát triển của thị trường.
Theo ông Anh, trước đây thị trường Trung Quốc vốn nổi tiếng ở lĩnh vực trà đạo, thì hiện nay cùng với sự trỗi dậy của Gen Z và thay đổi trong thói quen mua sắm, cà phê đang trở thành xu hướng của Trung Quốc.
"Đây cũng là lý do mà Trung Nguyên đặt mục tiêu sẽ lớn lao là vượt mặt Starbucks tại trị trường Trung Quốc"- ông Anh lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng DN Việt cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm. Nghiên cứu kỹ và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ để duy trì quan hệ hiểu tâm lý khách hàng. Cùng đó, DN Việt nên tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới để xuất khẩu hàng hóa, vào sâu các khu vực nội địa của Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Hai quốc gia đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng vững chắc cho việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử, nông sản và thủy sản. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nguồn cung lớn của các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm máy móc, thiết bị, hàng điện tử, nguyên liệu và phụ liệu sản xuất.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ấn tượng đạt mức 171,8 tỷ USD.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt đạt 43,6 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, tăng 9,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt 30,5 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù có nhiều cơ hội trong việc mở rộng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng cũng có những thách thức cần vượt qua như: cạnh tranh từ các quốc gia khác, vấn đề về chất lượng và an toàn của sản phẩm, rủi ro liên quan đến biến động thị trường và chính sách...