Tốc độ phát triển thương mại điện tử Việt Nam nằm trong tốp 10 thế giới

(PLO)- Thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc 16-30%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ lên 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-12, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam với chủ đề: Phát triển thương mại điện tử bền vững.

Thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển rực rỡ

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ một khái niệm khá xa lạ với người tiêu dùng, đến nay thương mại điện tử liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

"Điều này chứng tỏ rằng thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam" - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

thương mại điện tử
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại sự kiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như vấn đề đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường…

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, bà Lê Hoàng Oanh cho biết thêm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm tóp 10 toàn cầu và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong hai năm tới, trong đó tăng trưởng ổn định, tích cực là điểm sáng.

Tuy nhiên, điểm sáng này cần được thường xuyên giữ gìn, bảo vệ thông qua việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, thường xuyên tuyên truyền để đảm bảo tính thực thi pháp luật hiệu quả trong doanh nghiệp và xã hội.

“Bên cạnh hành lang pháp lý, các chính sách phát triển cũng cần được xây dựng và triển khai. Các bên liên quan như các doanh nghiệp lớn trong ngành, doanh nghiệp hạ tầng cần chung tay với cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp từng bước ứng dụng thương mại điện tử để giúp cả xã hội đều có thể Go Online” - bà Oanh nhấn mạnh.

Xây dựng niềm tin kinh doanh trực tuyến

Trong xu hướng phát triển xanh, thương mại điện tử còn đóng góp nhiều vào tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại.

thương mại điện tử..jpg
Người tiêu dùng tìm hiểu các thông tin về thương mại điện tử bên lề hội nghị.

Bà Hoàng Oanh cho rằng, với việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh, quy trình giao vận, thương mại điện tử sẽ giảm một lượng lớn khí thải phương tiện ra môi trường, đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí.

Cùng với người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số có thể khuyến khích các sản phẩm xanh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường bao gồm từ vật chứa cho đến các sản phẩm được mua bán.

Đối với yếu tố niềm tin, theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong 10 năm qua, mặc dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển rất nhanh, nhưng lý do lớn nhất mà người tiêu dùng vẫn e ngại khi mua hàng trực tuyến là “chất lượng kém so với quảng cáo”, “không tin tưởng đơn vị bán hàng”, “khó kiểm định chất lượng hàng hoá”.

Bà Hoàng Oanh chia sẻ: “Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, tôi cho rằng, để thay đổi được thực trạng này thì chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật cạnh tranh trên môi trường thương mại điện tử; hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường mạng”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ cần có niềm tin thị trường sẽ có cơ chế bảo vệ họ để có thể sáng tạo mà không bị doanh nghiệp lớn chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh. Với người tiêu dùng, họ cần có niềm tin vào chất lượng hàng hóa, tin rằng quyền lợi của họ được bảo vệ khi tham gia mua sắm trên thị trường thương mại điện tử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm