‘Thời kinh tế số, ra đường không cần cầm ví, ngồi nhà mua bán khắp nơi’

(PLO)- Một báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đánh giá Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-11, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn thương mại điện tửkinh tế số ngành Công Thương năm 2023.

Diễn đàn được chia làm nhiều phiên thảo luận, gồm phiên toàn thể diễn ra vào buổi sáng và hai phiên chuyên đề tổ chức vào chiều cùng ngày.

Chia sẻ tại phiên toàn thể, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết từ quý IV-2022 đến nay, thương mại toàn cầu bị suy giảm. Tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy khó khăn đó, thương mại điện tử và kinh tế số của Việt Nam vẫn phát triển, là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1-11 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này đến năm 2025” - Thứ trưởng Tân cho biết.

thu-truong-nguyen-sinh-nhat-tan-kinh-te-so.JPG
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ tại phiên toàn thể.

Cũng theo một khảo sát của Bộ Công Thương, trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30% và dự kiến đạt 20,5 tỉ USD trong năm 2023.

“Năm 2023 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới” - ông Tân nhấn mạnh.

Ngoài chia sẻ của Thứ trưởng Công Thương, các diễn giả cũng chia sẻ những nội dung về định hướng chuyển đổi số của ngành Công Thương đến năm 2025; ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển sản xuất thông minh; giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp ngành Công thương…

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade Việt Nam, cho biết những năm 2000 trở về trước, các công ty đứng đầu thế giới đa phần là những công ty về năng lượng, bán lẻ… Tuy nhiên chỉ 10 năm sau, gần 80% doanh nghiệp tốp 4 hàng đầu thế giới đều là những công ty công nghệ, như Facebook, Apple…

kinh-te-so.JPG
Mã QRCode tích hợp thông tin nhanh chóng, đầy đủ, thuận tiện đang ngày càng phổ biến.

Tại Việt Nam, hơn 10 năm qua, chúng ta đã nhìn thấy những taxi truyền thống, nhưng hiện đang dần bị taxi công nghệ thay thế, những chợ truyền thống thì có các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shoppee. Trong 10 năm qua, chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng rằng ra ngoài không cần cầm ví, bây giờ chỉ cần QRCode, chỉ cần order là mua được hàng hoá vô cùng thuận tiện” - ông Hưng nói.

Vậy các doanh nghiệp này có điểm chung gì? Theo CEO Accesstrade Việt Nam, đó đều là những doanh nghiệp số, ứng dụng cộng nghệ để số hoá toàn bộ doanh nghiệp, biến thành lợi thế cạnh tranh bên trong lẫn bên ngoài.

Những doanh nghiệp này đều có các điểm chung thú vị. Đầu tiên là mở rộng thông tin, như Amazon, Facebook, Tiktok, họ có thể phát triển mà không bị giới hạn bởi biên giới. “Hãy tưởng tượng một ngày nào đó hàng hoá Việt Nam không cần phải thông qua các thương nhân nước ngoài, không cần thông qua các rào cản về biên giới khác mà vẫn bán được ra toàn cầu” - ông Hưng nêu ví dụ.

Thứ hai là vận hành cực kỳ thông minh. Đơn cử với một doanh nghiệp số có hai triệu nhân sự, nhưng giám đốc điều hành tất cả bằng điện thoại, các dữ liệu có thể xem được ngay lập tức mà không cần các báo cáo, không cần bộ phận tham mưu hay bộ phận kế hoạch như một công ty truyền thống mà hiệu suất cực kỳ cao.

“Những doanh nghiệp như Facebook, Google doanh thu cỡ vài trăm tỉ USD nhưng lợi nhuận khoảng 40%, ngược lại với những công ty bán hàng truyền thống, doanh thu có thể vài ngàn tỉ nhưng lợi nhuận chỉ vài %” - ông Đỗ Hữu Hưng chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm