Livestream bán hàng cho Trung Quốc: Đừng chậm chân

(PLO)-Trung Quốc đã chuẩn bị thật tốt để các streamer, nhà sản xuất muốn bán hàng có thể đưa trực tiếp tới người tiêu dùng với giá thấp nhất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo “Bán hàng với công cụ và công nghệ mới và chinh phục các thị trường tỉ dân” do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức chiều 14-3, các chuyên gia chia sẻ cách tiếp cận thị trường Trung Quốc thành công trong bối cảnh mới.

Thương nhân Trung Quốc chờ mua 300-500 tấn dừa/ngày

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit cho biết, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỉ dân quá gần Việt Nam và là thị trường có khả năng mua rất tốt. Đặc biệt họ yêu mến nhiều sản phẩm của Việt Nam như các loại trái cây; trái cây chế biến và đóng hộp; thủy sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Ông Viên lý giải, người Trung Quốc cũng giống như người Ấn Độ không thích ăn rau nên họ ăn trái cây nhiều. Đặc biệt, sau đại dịch người Trung Quốc nghĩ đến yếu tố sức khỏe nên xu hướng ăn trái cây gia tăng.

“Chúng ta đừng thấy lạ khi chính phủ nước này phải mở hàng rào cho các nước để nhập khẩu mít tươi, sầu riêng của Việt Nam, Philippines, Malaysia”-ông Viên nói.

Bên cạnh đó, một sản phẩm mới nổi là nước trái cây. Ai đang ở Bến Tre sẽ thấy nước dừa khan hiếm do các thương nhân Trung Quốc chờ sẵn, cấp đông nước dừa để mang về và có thể mua 300-500 tấn/ngày.

Qua đó, cho thấy các thương nhân Trung Quốc rất nhạy. Chúng ta cần hiểu biết nhiều hơn để tạo ra những giá trị cao hơn, vào thị trường Trung Quốc một cách bài bản hơn.

Trung-Quoc-livestream.jpg
Nhiều công ty Việt Nam triển khai livestream bán hàng. ẢNH: TÚ UYÊN

Kho ngoại quan, đưa hàng hóa đi từ nhà máy tới thẳng khách hàng

Theo ông Viên, việc mua bán hàng hóa hai bên đang có sự thay đổi lớn. Trung Quốc bắt đầu xây những kho ngoại quan tại biên giới để chuẩn bị cho livestream, vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam.

Chúng ta đừng lo sợ họ xây những kho ngoại quan như vậy DN Việt sẽ bị thất thế. Các công ty Việt Nam cũng phải nghĩ tới các kho ngoại quan để chuẩn bị xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

"Ví dụ chúng ta muốn đưa hàng sang Trung Quốc bán cho người dân bản địa và trước đây DN bán theo dạng thùng.

Hiện nay DN chuyển sang bán theo từng gói, chúng ta đưa hàng của mình vào các kho ngoại quan của họ. Sau đó, DN bán gói hàng nào sẽ tính thuế gói hàng đó. Đây là cách khai thác của hai bên mặc dù chúng ta không đầu tư kho ngoại quan"-ông Viên nói.

Theo ông Viên, ngay cả các cảng Trung Quốc cũng xây nhiều kho ngoại quan để chuẩn bị cho phương thức kinh doanh mới là đưa hàng hóa đi từ nhà máy tới thẳng khách hàng. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng khai thác để đi vào thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng giống Việt Nam có hệ thống chợ truyền thống, siêu thị, chuỗi cửa hàng. Từ năm 2005 thương mại điện tử bắt đầu tại quốc gia này và bây giờ bùng nổ tiktok shop, alibaba shop.

Theo đó, DN Việt nên tiếp cận, thử đặt hàng Taobao để xem Trung Quốc đưa hàng về thế nào để sau này người Trung Quốc mua hàng Việt trên Shopee, Lazada chúng ta sẽ làm tương tự.

Bên cạnh đó, DN Việt có thể nghĩ đến việc livestream cho thị trường Trung Quốc. Ví dụ tôi livestream vườn sầu riêng để người Trung Quốc xem và sẽ bán cho họ.

Về công nghệ DN Việt Nam có thể tiếp cận được trong tương lai. Vì vậy, tất cả ai muốn kinh doanh nên tập livestream càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, về tốc độ, giá cả, thời gian của Trung Quốc đang rất "kinh khủng". Họ có một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa đi khắp thế giới làm sao ship hàng cho thật nhanh. Hãng bay này đã đến Việt Nam.

Qua đó, cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị thật tốt để các nhà bán hàng, streamer, nhà sản xuất muốn bán hàng có thể đưa trực tiếp tới người tiêu dùng với giá thấp nhất.

Trung Quốc mở trường dạy livestream

Trong khi đó, streamer ViruSs Đặng Tiến Hoàng (13 năm làm livestream, founder, vừa quản lý khoảng 300 nhân viên) cho biết, DN Việt vẫn đang mải mê với những chiến lược marketing không hiệu quả, không có tính chất chuyển đổi trong khi livestream là phương thức marketing chuyển đổi 0 đồng.

Theo nghiên cứu mới của Google, livestream là phương thức marketing duy nhất có chuyển đổi nhanh.

Riêng kênh livestream hàng ngày, số lượng tiếp cận thậm chí lớn hơn một trụ sở hay một cửa hàng.

Tuy nhiên, khi cố vấn cho nhiều DN Việt cho thấy DN Việt phát triển công nghệ chậm hơn DN Trung Quốc.

Đơn cử, trong một khóa đào tạo hơn 300 tiệm tạp hóa, DN nhỏ của Trung Quốc. Sau một tuần có đến 60% người mua cây livestream về live ngay, cho thấy họ cập nhật công nghệ nhanh, không e ngại...

Cấp bách hơn, hiện nay tại Trung Quốc đã có những trường học được cấp chứng chỉ dạy livestream và mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo. Trong các khóa học họ dạy cách nói, lấy hơi, đứng trước máy quay…

Tôi được mời sang đào tạo và họ yêu cầu các DN nhỏ tại địa phương thực hành tại chỗ sau một tuần học.

“Tôi thật sự lo lắng và quan ngại cho DN Việt vì với các xu hướng bán hàng cũ DN có thể lựa chọn, nhưng xu hướng bán hàng từ năm 2024 không có sự lựa chọn. Nếu chúng ta không đáp ứng được với công nghệ livestream bán hàng sẽ bị đào thải”- ông Hoàng khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm