Tại buổi họp báo công bố doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC do người tiêu dùng (NTD) bình chọn năm 2024 do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Phượng, đại diện Hội DN HVNCLC cho biết, cách đây hàng chục năm khi kênh bán lẻ hiện đại (MT) xuất hiện tại Việt Nam nhiều chuyên gia đánh giá kênh GT (General Trade - phân phối truyền thống) sẽ thất thế, khó tồn tại.
Cửa hàng tạp hóa vẫn có sức hút
Tuy nhiên, kết quả khảo sát năm nay cho thấy chợ truyền thống có phần bị thu hẹp hơn. Riêng cửa hàng tạp hóa vẫn có sức hút khi 70% NTD chọn kênh này để mua sản phẩm.
Theo ông Phượng, sở dĩ kênh này còn chỗ đứng nhờ sự thuận tiện, sự thân thiện của người bán còn là sự thích ứng với xu hướng và đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa trải nghiệm. Chẳng hạn, một số cửa hàng tạp hóa cho phép đặt hàng qua zalo, rồi giao hàng hay thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử,…
Thông tin thêm về “sức khỏe” của các kênh bán lẻ, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, gần đây kênh bán lẻ hiện đại không phát triển nhanh. 80% còn lại là hệ thống phân phối truyền thống.
"Chúng ta thấy hiện tượng chợ ế ẩm sẽ nghĩ kênh bán lẻ truyền thống đã tụt khỏi thị trường nhưng không phải vậy. Kênh này có bốn mảng khác nhau gồm chợ truyền thống tuy yếu kém, ngày càng rơi vào kênh bán hàng online nhưng nhìn chung cả nước cơ sở vật chất chợ vẫn còn.
Tiếp đến là cửa hàng chuyên doanh như thời trang, điện máy, điện, gia dụng, giày…; những tiệm tạp hóa lớn của các gia đình lai giữa siêu thị, cuối cùng là các “mama shop” ít được quan tâm. Kênh phân phối truyền thống chúng ta cần tính toán để củng cố”-bà Hạnh nói.
Bà Hạnh cũng cho biết, nhiều ý kiến cho rằng siêu thị đã nằm trong tay Thái Lan, điều này chưa đúng. Hiện nay chỉ có hệ thống MM Mega market, các siêu thị thuộc Central Retail là của người Thái, Aeon của Nhật Bản, Lotte Mart của Hàn Quốc. Trong khi hệ thống Co.opmart, Emart, Winmart…người Việt đang làm chủ.
Thay đổi để cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan
Bà Hạnh nhận xét khi sức mua thấp, DN bán hàng kém thì các tổng kho lớn đã được xây dọc biên giới phía Bắc và hàng tiêu dùng Trung Quốc đã tăng lượng bán xuyên biên giới. Qua đó, tạo sự cạnh tranh đầy khốc liệt trong giai đoạn khó khăn này.
Cụ thể, về chất lượng hàng Trung Quốc được coi đều hơn. Có thể sàn thương mại điện tử giao hàng không đúng như người tiêu dùng đã đặt nhưng chưa đủ để nói hàng Trung Quốc giá rẻ.
Về mẫu mã hàng Trung Quốc đa dạng. Điều đáng lo là hàng Trung Quốc có giá rẻ.
Tôi có người bạn đặt mua ba lô trên một sàn TMĐT so với thương hiệu Việt Nam cùng loại thời gian giao hàng tương tự nhau 4-5 ngày. Tuy nhiên, giá ba lô thương hiệu Việt 300.000 đồng trong khi giá hàng Trung Quốc 95.000 đồng, chưa kể họ vận chuyển nhanh, có thể miễn phí vận chuyển.
“Chúng ta nghe các tổng kho biên giới phía Bắc nhưng tôi nghĩ có thể họ đã xây kho sâu vào bên trong nội địa, ở những gian hàng ven các chợ truyền thống. Qua đó, cho thấy từ lâu họ đã chuẩn bị đưa hàng tiến sâu vào các chợ truyền thống, rút ngắn khoảng cách địa lý để cạnh tranh”-bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, hơn lúc nào hết DN HVNCLC ngoài việc duy trì chất lượng tốt, cần tính toán lại chiến lược, mô hình kinh doanh. Đồng thời, DN cần quan tâm hơn việc tiếp thị, bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới khi người tiêu dùng sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày càng nhiều.
DN thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng sẽ là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn, thị trường tỉ dân như Trung Quốc.