V-League bây giờ mới nguy hiểm

Lần đầu tiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải nghỉ dài, các nhà làm giải V-League buộc phải áp dụng kiểu chơi rút ngắn thời gian về đích. Giai đoạn 1 đã diễn ra hấp dẫn với tính cạnh tranh cao vì những CLB có bước chuẩn bị tốt đều tăng tốc để chạy đua vào tốp 8 đội xếp trên vừa chắc chắn trụ hạng, lại vừa có thể kiếm huy chương. Ngược lại, các đội chậm chân rơi xuống nhóm sáu đội xếp dưới phải lo chạy trốn một suất trụ hạng.

Cuộc chơi nửa mùa cơ bản đã tách tốp một cách sòng phẳng khi tất cả đều nỗ lực đào thoát khỏi nhóm tử thần, để giữ hạng V-League mùa sau trước khi nghĩ đến cơ hội thành tích. Nuối tiếc nhất có lẽ thuộc về SHB Đà Nẵng trụ vững tốp 8 đến giờ chót bất ngờ gục ngã trên sân Thiên Trường trước Nam Định yếu hơn. Cái thua đủ để tân binh Hà Tĩnh bấm còi qua mặt ngoạn mục.

Nửa đường V-League 2020 vừa khép lại với chức vô địch tạm thời về tay Sài Gòn là xứng đáng, nhờ sự bình ổn trong cách chơi. Họ chỉ chịu thua mỗi Viettel ở phút 90+3, còn lại là 12 trận bất bại. Ngược lại, Quảng Nam “mất bò mới lo làm chuồng” khi nằm yên ở cuối bảng rồi mới lo tăng cường ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa.

Sài Gòn vô địch giai đoạn 1 và hứa hẹn sẽ gặp hàng loạt khó khăn, trong đó phải “đấu lại” với đương kim vô địch Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG

Đội trưởng Đinh Thanh Trung của Quảng Nam sẽ rất vất vả với năm trận chung kết quyết định số phận. Ảnh: NGỌC DUNG

Duy có điều là cuộc chơi giai đoạn 2 sắp tới sẽ chứa đựng nhiều rủi ro ở lần đầu tiên V-League chia nhóm tranh vô địch và chống rớt hạng bởi sự không tương đồng giữa trình độ lẫn tham vọng của các đội bóng. Tốp 8 đội phía trên không phải ai cũng muốn vô địch và đủ sức đua vô địch. Cũng không ít đội ở đấy trụ hạng đã là thành công nên có thể ảnh hưởng đến động lực chiến đấu.

Ví như HA Gia Lai mùa nào cũng vất vả trụ hạng vào giờ chót thì mùa này đến phút cuối trụ lại nhóm trên đã là một thành công lớn. Giới hâm mộ mong mỏi đội bóng của bầu Đức khi trút khỏi gánh nặng rớt hạng biết đâu sẽ thảnh thơi đá tốt hơn chính họ, chứ không hy vọng HA Gia Lai trở thành vua mới V-League.

Rõ nhất là tân binh Hà Tĩnh bây giờ có thể ăn mừng chiến tích ở lại V-League mùa sau, hơn là dốc sức tìm một chỗ đứng trong tốp 3. Tệ hơn nữa là Than Quảng Ninh từ hai vòng đấu trước, khi biết mình đã chắc trụ hạng đã cho không ba cầu thủ nòng cốt về giúp Hải Phòng ở nhóm dưới để trụ hạng.

Và một khi các đội tự đánh mất tham vọng của mình, cuộc chơi thiếu cảm xúc của họ liệu có phục vụ lợi ích cho ai hay đá vì cái gì?

Tương tự, nhóm sáu đội phía dưới chỉ có một vé rớt hạng có thể nảy sinh ra trò đánh hội đồng hoặc có khi tự nguyện làm “ngân hàng điểm” cho nhau vơ vét. Đơn giản vì thứ tự các đội không phải xếp cuối bảng đều mang một thân phận như nhau là trụ hạng, khiến họ không nhất thiết đá hết mình để làm gì.

Quảng Nam bất lợi nhất

Theo điều lệ mới của V-League, các đội vẫn giữ nguyên điểm số sau lượt đi và tiếp tục cộng dồn điểm ở giai đoạn 2 để xác định nhà vô địch hoặc một đội xuống hạng Nhất. Hai nhóm đội cùng đá vòng tròn một lượt tính điểm, bắt đầu khởi tranh từ ngày 9-10 (nhóm tám đội xếp trên) và ngày 10-10 (nhóm sáu đội xếp dưới).

Trong nhóm đội tranh trụ hạng, Quảng Nam mới có 9 điểm, còn kém đội áp chót bảng Nam Định 4 điểm và thua đội cao nhất SHB Đà Nẵng 7 điểm. Cái khó là lượt về chỉ có năm trận đấu, buộc Quảng Nam trận nào cũng phải căng sức ra chơi như chung kết. Ngược lại, những đội sớm đủ điểm trụ hạng như SHB Đà Nẵng, SL Nghệ An lại dễ sinh ra những dấu hiệu tiêu cực không chủ ý, hoặc không loại trừ cả nguy cơ tình thương mến thương cho nhau. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới