Vạch trần mánh làm ăn phi pháp của dịch vụ thám tử

Nhưng theo điều tra của phóng viên, mờ mắt trước lợi nhuận lớn, nhiều công ty vẫn cố tình “vượt rào”, cung cấp những dịch vụ trái pháp luật.

Giá "cắt cổ" cho một phi vụ nghe lén

Trong vai một khách hàng có nhu cầu theo dõi tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc gọi và lấy mật khẩu email của người khác để phục vụ mục đích cá nhân, phóng viên đã tiếp cận các văn phòng thám tử tư để "đặt hàng" đơn hàng đặc biệt này. Chỉ một thoáng thăm dò, các văn phòng thám tử tư đã không ngại ngần đồng ý và đưa ra các mức giá cắt cổ cho các gói dịch vụ này.

Quan trọng là tin nhau

Sở dĩ chúng tôi nói các văn phòng này có một thoáng thăm dò bởi trước đó, vào đầu tháng 7.2014, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 người liên quan tới vụ nghe lén 14.000 máy điện thoại. Thấy bị động nên hầu hết các văn phòng thám tử đều có chút lăn tăn khi có khách “đặt hàng”. Tuy vậy, các thám tử tư vẫn không thể làm ngơ trước “miếng ăn” béo bở này. Một trong số đó là người phụ trách hotline – người tự giới thiệu mình tên Lượng- Giám đốc của Văn phòng thám tử Tâm Gia, có địa chỉ website tại địa chỉ: http://thamtutamgia.com. Chỉ sau một cuộc gọi từ phóng viên (PV) – trong vai khách hàng có nguyện vọng theo dõi ông anh vợ có biểu hiện ngoại tình để giúp bà chị làm cơ sở ly hôn, vị thám tử tự xưng này khẳng định chắc nịch: “Bên tôi cung cấp được hết các dịch vụ theo dõi tin nhắn, lấy ghi âm cuộc gọi và lấy mật khẩu email. Chỉ có điều, dịch vụ sẽ hơi đắt, có thể lên tới hàng trăm triệu/tháng”.

Trước sự rào đón trên, PV cũng nhanh chóng giãi bày về “gia cảnh” của bà chị giàu có đang phải chịu đựng một ông chồng giám đốc thành đạt nhưng bản tính lăng nhăng, ngấm ngầm nuôi bồ nhí trong thân phận một nhân viên của công ty. Chỉ chờ có vậy, vị giám đốc của Tâm Gia nhanh chóng xác lập một cuộc hẹn vào 9 giờ sáng ngày 13.7 để bàn chi tiết công việc, dù hôm đó là Chủ nhật. Điểm hẹn là văn phòng giao dịch của thám tử Tâm Gia tại nhà C3, ngõ 34 Nguyễn Thị Định, Hà Nội.

Vạch trần mánh làm ăn phi pháp của dịch vụ thám tử

Trụ sở văn phòng thám tử tư Tâm Gia (ảnh lớn). Giao diện màn hình giới thiệu sản phẩm thám tử Tâm Gia (ảnh nhỏ).

Có mặt tại điểm hẹn, PV được người đàn ông tự giới thiệu tên là Lượng-Giám đốc của thám tử Tâm Gia. Người này đưa PV lên tầng 2 của tòa nhà C3. Ở ngoài mặt tiền của tấm biển này có ghi tên là Công ty Dịch vụ cung cấp thông tin Tâm Gia. Sau này tìm hiểu, PV được biết: Văn phòng thám tử Tâm Gia này phải “núp bóng” Công ty Dịch vụ cung cấp thông tin Tâm Gia bởi theo quy định thì dịch vụ thám tử tư là lĩnh vực kinh doanh bị cấm tại Việt Nam. Đây cũng là hình thức lách luật của hầu hết các văn phòng thám tử tại Việt Nam.

Trở lại cuộc hẹn với vị thám tử tư thuộc văn phòng Tâm Gia, lúc này, vị này bắt đầu “nắn gân”: Có thể anh biết hoặc không biết nhưng tôi cần nói rõ: Những việc anh nhờ chúng tôi đều là những việc vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện thì vào tù cả lũ. Ngoài ra, xã hội này bây giờ họ “cài” nhau nhiều lắm! Biết đâu có ai đó ganh ghét “cài” tôi thì sao?

PV cũng cao giọng đáp: “Cả tôi và anh đều là người lớn. Tôi chỉ muốn biết nếu tôi có nhu cầu thực tế thì bên anh có giúp tôi được một trong các gói sau hay không: Lấy nội dung tin nhắn, lấy ghi âm cuộc gọi và lấy mật khẩu email?”. Nghe vậy, vị thám tử tên Lượng thoáng chút tư lự rồi trả lời dứt khoát: Được, quan trọng là chúng ta tin nhau. Còn những công việc trên thì chúng tôi làm được hết.

“Độc lập tác chiến” = rất nhiều tiền

Sau khi kết thúc màn thăm dò, vị thám tử tên Lượng bắt đầu đưa tôi vào màn thương lượng. Vị này tìm hiểu kỹ hơn về điều kiện tác nghiệp. Tôi trình bày: “Công ty của ông anh tôi có cả trụ sở và đối tác bên Trung Quốc. Vì vậy, để giữ bí mật cho mối quan hệ ngoài luồng, anh này đã cho cô bồ của mình sang đảm nhiệm công việc bên văn phòng đại diện tại Trung Quốc.

Hằng tháng, anh này sang bên đó hai lần, vừa là làm ăn, vừa là hú hí với cô bồ trẻ. Những lúc không sang được, anh này liên lạc bằng ĐTDĐ. Chiếc điện thoại này được để tại phòng làm việc riêng tại công ty, không bao giờ mang về nhà, người ngoài rất khó tiếp cận. Thi thoảng, họ có liên hệ với nhau bằng email. Chị tôi cần bằng chứng ngoại tình từ tin nhắn, ghi âm cuộc gọi hoặc email”.

- “Vậy nghĩa là không thể lấy được điện thoại của anh cậu?- vị thám tử hỏi lại.

- Không, không thể! Các anh phải độc lập tác chiến. Tôi chỉ có thể cho các anh số và địa chỉ email thôi”- tôi đáp.

- “Được rồi! Nếu vậy thì chi phí mỗi tháng cho việc theo dõi tin nhắn là 100 triệu”- thám tử Lượng ra giá.

- “Vậy nếu chúng tôi muốn lấy ghi âm cuộc gọi thì mức giá là bao nhiêu?”.

- “300 triệu 1 tháng. Kể cả vài ngày có kết quả thì chúng tôi vẫn tính là 1 tháng”- thám tử Lượng trả lời.

Giải thích về mức giá cắt cổ này, Lượng cho hay việc lấy được những cuộc ghi âm và sao chép tin nhắn này buộc phải có người nhà mạng di động là tay trong. Đây là một mối quan hệ mật thiết. “Kể cả cậu có nhờ cấp trưởng phòng của Vietell thì cũng bó tay. Chúng tôi làm trong nghề nên mới có nguồn”-vẫn lời thám tử Lượng.

Nói về phương thức thanh toán hợp đồng, Lượng cho biết bên đặt hàng sẽ phải chi trả 50% giá trị hợp đồng trước. Số còn lại sẽ được thanh toán nốt khi hoàn thành hợp đồng. Khi giao tiền, Lượng sẽ giao lại một phiếu thu có đóng dấu công ty. Ngoài ra, nội dung hợp đồng sẽ ghi chung chung là cung cấp thông tin, không làm quá rõ những việc cụ thể.

“Việc lấy các dữ liệu trên không khó. Nhưng quan trọng là tôi phải biết anh thực có nhu cầu hay không”- Lượng chốt lại lần nữa.

Cấm kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật cá nhân

Trả lời câu hỏi của PV về nội dung quy định của pháp luật về việc thành lập và hoạt động của các công ty, văn phòng thám tử, luật sư Chu Mạnh Cường- Trưởng Văn phòng Luật sư Dân Tín cho biết: “Theo quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12.6.2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì “Dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là dịch vụ cấm kinh doanh.
Tại điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1.10.2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp cũng quy định “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Ngay cả các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ (thành lập theo Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22.4.2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ) cũng bị cấm “Tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức”. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức”.

Biết sai nhưng vẫn làm

Ngoài việc liên hệ với văn phòng thám tử Tâm Gia để “đặt hàng”, PV cũng liên hệ với một loạt các văn phòng thám tử tại Hà Nội để đặt vấn đề với nội dung tương tự như đã đặt vấn đề với Tâm Gia. Trong 6 văn phòng mà PV liên hệ, chỉ có 2 văn phòng từ chối thẳng thừng. Số còn lại, đều đồng ý một phần hoặc toàn bộ “đơn đặt hàng” từ PV về việc theo dõi tin nhắn, ghi âm cuộc gọi và bẻ khóa email của người bị theo dõi.

Theo Thọ Phước
(Dân Việt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm