Từ bến phà Vàm Cống, khách qua lại những chuyến phà chỉ cần đưa mắt dõi theo dòng nước xuôi về Cần Thơ là rõ mồn một cầu Vàm Cống với hai trụ tháp sừng sững như đôi tay với tới mây trời.
Sáng 19-5, cầu Vàm Cống khánh thành, chính thức thông xe. Gần như tất cả đều đổ dồn về phía cầu đặng chờ giây phút phát lệnh cho thông xe qua lại. Bến phà Vàm Cống vắng hơn ngày thường chút ít, nhưng không vì vậy mà công việc của anh em thuyền viên, nhân viên ở đây được lơi lỏng hay sao nhãng.
Dẫu biết có cầu mới nối đôi bờ sông Hậu thì sự kết thúc sứ mệnh vận tải trăm năm của phà Vàm Cống cũng chỉ còn tính bằng ngày. Đây là quy luật tất yếu trong sự phát triển, nhưng những chuyến phà trăm năm ở bến bắc Vàm Cống vẫn gieo vào lòng người bao nổi niềm bâng khuâng tiếc nuối, những chuyến phà nơi đây rồi sẽ đi vào dĩ vãng, chỉ còn là những ký ức.
Những ngày cuối cùng kết thức sứ mệnh của mình, phà Vàm Cống vẫn bận rộn, tấp nập với những dòng xe chen chúc nhau xuống phà. Dưới cái nắng như thiêu đốt của mùa hè, những nhân viên bến phà vẫn tất bật làm các phần việc thường nhật. Cách đó khoảng 3 km, cầu Vàm Cống hiện lên sừng sững nối đôi bờ sông Hậu (thuộc hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang). Sắp tới đây chiếc dây văng ấy sẽ cõng phương tiện qua sông thay cho những chiếc phà nơi đây.
11 giờ 30, ở Cổng phà Vàm Cống – bờ An Giang, nào ô tô tải, xe khách, xe con đã đậu thành từng hàng dài đợi lượt xuống phà. Cổng rào mở ra, lùa vội bát cơm, anh Trần Hùng Mỹ (nhân viên thu vé) nhanh chân chen vào dòng xe đang đợi đưa tay thu vé và hướng dẫn phương tiện xuống phà.
Ngãng việc khi xe đã xuống phà, lấy tay quệt những giọt mồ hôi đang chảy dài trên má, anh Mỹ tâm sự, trước đây ba anh cũng là thuyền trưởng tại phà Vàm Cống. Tuổi thơ của anh lớn lên cùng những chuyến phà, rồi anh cũng nối nghiệp cha và gắn bò với phà nay đã 19 năm. Nhắc đến chuyện thông xe cầu Vàm Cống, anh Mỹ không khỏi bùi ngùi xúc động.
“Có cầu mừng lắm chứ, việc đi lại của bà con sẽ dễ dàng hơn, giao thương kinh tế địa phương phát triển. Nhưng cũng buồn lắm. Đối với người dân đồng bằng mình thì phà không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là nét đặc trưng riêng. Về miền sông nước mà vắng bóng những chuyến đò phà thì quả thật thiếu đi dư vị của cuộc sống. Riêng đối với bản thân tôi, cả tuổi thơ và sự nghiệp đều gắn với những chuyến phà nơi đây. Nhớ lắm những ngày cùng cha đưa đò, những ngày đội nắng dầm mưa thu vé, hướng dẫn xe, cũng sẽ không còn những bữa ăn anh em góp gạo thổi cơm chung”, anh Mỹ tâm sự.
Chiếc phà mang ký hiệu K200 (tải trọng 200 tấn) chẳng mấy chốc đã chất đầy xe ô tô to nhỏ, ngay sau đó những hàng dài xe máy cũng thay phiên nhau đổ xuống lắp đầy phà. Hàng rào an toàn trên phà kép lại, tiếng còi lại rền vang, phà bắt đầu rời bến. Tiếng động cơ hòa cùng tiếng sóng xập xình vang vọng, ngồi trong cabin, lái phà Nguyễn Trường An (46 tuổi) điều khiển phà đưa khách sang sông, đôi lúc anh An lại đưa mắt nhìn về hướng cầu Vàm Cống, nét mặt trầm ngâm.
Nói về sự nghiệp đưa đò của mình, anh An tự hào với thâm niên 21 năm cầm lái. Anh kể, lúc đầu anh làm tại phà Vàm Cống, sau được điều về phà Long Toàn (Trà Vinh) được ba năm thì “xong xứ mệnh phà Long Toàn” lại được điều qua phà Trà Ôn. Sáu năm sau, cầu Trà Ôn cũng khánh thành và anh lại được quay trở lại Vàm Cống như một cái duyên, nay lại sắp chia xa.
Đón khách lên bờ này, trả khách xuống bờ kia và lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác năm này như năm nọ nhưng anh An chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán, bởi đối với anh mỗi chuyến phà đưa khách qua sông an toàn là một niềm vui lớn.
“Những dịp tết hoặc mùa vía Bà rất căng thẳng. Phà kẹt, xe đông, cường độ công việc cao hoặc sóng gió mùa mưa bão, mùa nước đổ phải điều khiến phà tránh va vào bến, tránh va vào phương tiện khác. Mỗi lần đưa được khách qua sông nhanh chóng, an toàn là trong lòng mừng vui khôn siết. Từ ngày khởi công cầu các anh em đã chuẩn bị tâm lý rồi, sẽ không còn cảnh kẹt phà nữa, bà con đi lại thuận tiện hơn. Phà dần dần sẽ được thay thế hoàn toàn bằng cầu, đó là quy luật tất yếu. Chuyện gì tới sẽ tới nhưng làm lâu quen từng khúc sông mình qua lại hàng ngày, bến bãi, con nước lớn, ròng hay mùa nước đổ ở đây tôi đều thuộc nằm lòng hết trơn. Ai đi qua rồi cũng nhớ chứ”, anh An giọng bùi ngùi.
Nói về tương lại sắp tới, anh An cho biết lãnh đạo đã có sắp xếp điều chuyển anh về hoạt động ở bến khác, nhưng nguyện vọng của anh là có thể về bến nhỏ khác vẫn thuộc cụm phà Vàm Cống hoặc Đại Ngãi và khẳng định anh sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cho đến khi còn có thể.
Dù được chuẩn bị tâm lý từ lâu, có lẽ từ khi cây cầu khởi công vào năm 2013, nhưng trong tâm tư nhiều người ở bến phà, cả người của bến và những người dân mưu sinh nhờ bến phà cũng không khỏi ngậm ngùi luyến nhớ nơi họ từng gắn bó gần cả cuộc đời mình…
Ông Trần Minh Lập (62 tuổi, nguyên phó giám đốc bến phà Vàm Cống) cho biết ông có 30 năm làm việc tại bến phà, từ nhân viên bán vé phấn đấu lên vị trí lãnh đạo. Gia đình ông có ba đời làm việc ở đây từ thời cha ông (năm 1956) đến đời ông và con ông thì bến phà lại sắp trở thành ký ức. Ông Lập nói, vắng phà làm như thiếu một cái gì đó trong nghề nghiệp của mình do vậy, nghỉ hưu nhưng ông vẫn thường xuyên lui tới khu vực bến phà. Hiện gia đình ông cũng có một căn nhà nằm ngay gần cổng bến phà mở kinh doanh bán hàng cho khách qua phà.
Cũng như bao hộ kinh doanh, những người mưu sinh dựa vào bến phà (300 người), gia đình ông cũng khỏi tiếc nuối trước việc phà sắp đóng cửa nhưng khác với họ ông Lập tiếp nhận một cách nhẹ nhàng hơn và đã có chuẩn bị từ đầu.
Còn ông Thái Tuấn Khải, Bến phó Bến phà Vàm Cống cho biết ông bắt đầu công tác tại Phà Vàm Cống từ năm 1989.
Nói về lịch sử bến phà, ông Khải cho biết vào thời Pháp thuộc, nơi đây chỉ là bến đò nhỏ, mật độ phương tiện rất thấp. Hồi xưa, bờ Đồng Tháp bến phà nằm trong kênh Lấp Vò, đến năm 2002 mới dời ra ngoài sông Hậu như bây giờ. Còn bờ An Giang có từ thuở khai thiên lập địa đến giờ. Thời pháp thuộc, đây như bến đò, lâu lâu mới có một chuyến xe đò lục tỉnh chạy qua. Sau này, có một khoảng thời gian Quốc lộ 80- bên Lấp Vò, Sa Đéc bị hư, xe đi lại khó khăn nên cũng chỉ lác đác vài chiếc qua lại. Đến đầu thập niên 90 mới khá xe. Rồi sau đó, Quốc lộ 80 được nâng cấp dần dần, xe về nhiều hơn, đông dần lên…
Trước năm 2000 bến có bốn chiếc phà loại 100 tấn, hai chiếc loại 60 tấn. Năm 2000, sau khi cầu Mỹ Thuận xây xong, Bộ GTVT điều về bến Vàm Cống thêm bốn chiếc (hai chiếc 200 tấn, hai chiếc 100 tấn). Cùng năm này, bến dời từ trong kênh Lấp Vò ra ngoài sông Hậu thì lưu lượng xe cũng tăng dần lên. Hiện nay bến có 8 chiếc phà 200 tấn, hai chiếc phà 100 tấn, hoạt động 24/24. Một ngày trung bình có 12.000 xe máy, 7.000 ô tô các loại qua phà với khoảng 800 chuyến phà. Còn những dịp cao điểm như lễ Tết, mùa vía Bà thì tăng khoảng 20%.
“Lúc tôi mới về công tác, công việc của bến còn ít lắm, chỉ có ba chiếc phà, với 32 người phục vụ, giờ tăng lên 170 người phục vụ. Bến vắng vẻ, buồn lắm, thường phà sẽ chờ cho đủ người mới chạy. Còn ba năm trở lại đây, lượng xe nhiều, kẹt xe kéo dài vài km là chuyện bình thường vì xe từ miền Đông, TP.HCM đổ về, từ miền Tây kéo lên. Cứ cuối tuần từ thứ 6 đến Chủ nhật là xe nhiều vô kể”, ông Khải thông tin.
Cũng như ông Lập, cả cuộc đời ông Khải đã gắn bó với bến phà Vàm Cống. Đối với ông, bến phà là ngôi nhà thứ nhất chứ không phải thứ hai.
Theo ông Khải, bến phà đã gắn liền với biết bao thế hệ gia đình, có gia đình ba, bốn thế hệ làm việc ở đây rất nhiều, còn hai thế hệ là bình thường như cha làm thuyền trưởng, thợ máy thì con làm thủy thủ. Với họ, bến phà và những chiếc phà và những chuyến phà qua lại đôi bờ sông Hậu gần như là máu thịt, là ký ức và là cả một trời thương nhớ, gắn bó. Bởi vậy, lúc chia tay chúng tôi, ông Trần Minh Lập - nguyên phó giám đốc bến phà Vàm Cống chia sẻ: “Phà nghỉ thì cũng không buôn bán được gì nhưng tôi vẫn giữ ngôi nhà lại làm kỷ niệm nghề nghiệp cùng với bền phà chứ không bán đâu”.
Chúng tôi chia sẻ mới đây, chủ tịch UBND TP Cần Thơ đang kiến nghị nên xem xét giữ lại bến phà để đảm bảo phần nào nhu cầu của người dân. Chia sẻ là vậy nhưng chúng tôi không chắc điều ấy sẽ được chấp nhận hay không hay sẽ xóa sổ như bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu…? Mà có xóa sổ, âu cũng là lẽ thường của quy luật phát triển và trong đầu tư phát triển cho Miền Tây. Nhưng, cái không thể mất, không thể xóa nhòa ở trong mỗi người dân Miền Tây là ký ức gần trăm năm về những chuyến phà của bắc Vàm Cống qua lại hai bờ sông Hậu mãi in đậm, không phai.
Chiều muộn! Những chuyến phà hơi thưa khách, dõi về hạ lưu không xa là cầu Vàm Cống dòng xe nườm nượp qua lại, xen lẫn tiếng động cơ xe là những tiếng còi reo vang, háo hức chào đòn nhịp cầu nối đôi bờ chính thức thông xe. Trong những tiếng ầm ĩ, reo vui mừng cho nhịp cầu mới ấy, những tiếng còi phà tu tu vẫn cần mẫn rúc lên như nhắc nhớ một ký ức trăm năm sắp trôi vào những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu khi nói về một thời “qua sông lụy phà”.
Và khi nhắc đến lại rưng rưng nhớ, như những câu thơ đọc lên mà thổn thức của Huỳnh Thúy Kiều: “Nay anh muốn cùng em sánh bước trên những nhịp cầu/Kể cho nhau nghe những thăng trầm trên chuyến phà đêm vội vã/Mấy mươi năm vàm sông bây giờ như người đàn bà góa bụa/Vò võ miền thương ở phía không người…”.