Ngày 30-7, tại cuộc họp báo sáu tháng đầu năm do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, đại diện các sở TN&MT, NN&PTNT đã thông tin về vụ cá chết hàng loạt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Hiện tượng cá chết hàng loạt khiến người dân lo lắng.
Theo báo cáo, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng cá bớp thả nuôi bị chết tại thôn Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Tân), Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức khảo sát thực tế và lấy mẫu nước biển, mẫu trầm tích, mẫu cá tại các lồng bè gửi Chi cục Thú y Vùng VI - TP.HCM để phân tích các nguyên nhân liên quan đến dịch bệnh.
Thời gian qua Sở NN&PTNT, Sở TN&MT cũng thường xuyên giám sát, lấy mẫu nước biển, mẫu trầm tích và mẫu cá tại khu vực để theo dõi diễn biến môi trường nuôi cá tại khu vực.
Kết quả phân tích mẫu nước biển cho thấy hầu hết thông số chất lượng nước biển đều đạt QCVN 10-MT:2015/BTNMT, còn một số chỉ tiêu không nằm trong ngưỡng nhưng không đáng kể.
Kết quả phân tích mẫu trầm tích tại khu vực nuôi lồng bè của các hộ dân đều trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích.
Kết quả phân tích mẫu cá phát hiện trùng Myxobolus sp trong mẫu cá.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi cá lồng bè, cá nuôi bị ký sinh trùng tấn công gây lở loét và chết rải rác là hiện tượng bình thường xuất hiện ở một vài cá thể. Sở NN&PTNT đã tiếp tục lấy mẫu cá vào ngày 17-7 đưa đi xét nghiệm, sau khi có kết quả sẽ có đánh giá cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, từ những kết quả phân tích trên, đến nay chưa đủ cơ sở xác định nguyên nhân cá chết.
Cũng theo ông Chiến, ngày 29-6, Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-SNN về việc thành lập tổ công tác giám sát và hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá lồng bè tại vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (gọi tắt là Tổ công tác 424).
Tổ công tác 424 đã thực hiện đo nhanh hằng ngày các chỉ tiêu môi trường nuôi là hàm lượng ôxy hòa tan (DO), nhiệt độ bên trong và bên ngoài lồng nuôi để so sánh, thời điểm đo ban ngày từ 14 đến 16 giờ, thời điểm đo ban đêm từ 0 giờ đến 3 giờ sáng (Kết quả đo nhanh các chỉ tiêu môi trường cho thấy đều nằm trong giới hạn cho phép (DO 5,4-5,8 mg/l; nhiệt độ 23-27 độ C).
Đến thời điểm hiện nay, cá nuôi tại khu vực Vĩnh Tân không còn chết hàng loạt trên diện rộng. Tuy nhiên, cá vẫn còn chết rải rác ở một số hộ nuôi, nhất là những hộ mới thả lại cá giống mặc dù đã được Tổ công tác 424 khuyến cáo không nên thả nuôi lại ở thời điểm này.
Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Tuy Phong, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh, UBND xã Vĩnh Tân tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu chủ đầu tư các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, hoạt động; đảm bảo nước thải, nước làm mát, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; tuân thủ theo giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Cá nuôi chết tại một lồng bè ở Vĩnh Tân.
Theo Sở NN&PTNT, Sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện Tuy Phong chỉ đạo phòng chức năng của huyện hướng dẫn UBND xã Vĩnh Tân triển khai quy định trình tự, thủ tục hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra cũng đã giao nhiệm vụ cho Tổ công tác 424 phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện các thủ tục thống kê, đánh giá thiệt hại cá nuôi lồng bè bị chết của các hộ dân.
Sau khi thực hiện các thủ tục ở cơ sở, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Tuy Phong, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND huyện và các sở, ngành liên quan kiểm tra, thẩm định, tham mưu đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định hiện hành.
Đối với khu vực nuôi cá lồng bè xã Vĩnh Tân, hằng năm đều có những thời điểm môi trường nuôi không ổn định ảnh hưởng đến cá nuôi lồng bè. Tổ công tác 424 đang tiếp tục theo dõi, rà soát kỹ môi trường nuôi và dịch bệnh tại khu vực đang nuôi, trên cơ sở đó sẽ có đánh giá, đề xuất khả năng phát triển nuôi trồng tại khu vực trong thời gian tới.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã có thông báo giao Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu lập quy hoạch vùng nuôi cá bè tại khu vực xã Vĩnh Tân và hướng dẫn quy trình nuôi cá bè để bà con thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khẳng định nếu tìm ra nguyên nhân là do chất thải thì phải xử lý nghiêm khắc và ông yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương tìm ra nguyên nhân.