Ông Trần Ngọc Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng việc quy định cụ thể số lượng xe sẽ gây hạn chế những doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, đồng thời không có tính cạnh tranh cao, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng (Chính phủ quy định: Từ ngày 1-7 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có số lượng phương tiện tối thiểu là 20 xe trở lên đối với TP trực thuộc trung ương, 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương, năm xe trở lên tại huyện nghèo).
Ông Thọ cũng cho rằng tiến độ cấp phù hiệu cho doanh nghiệp vận tải hiện rất chậm, bị Sở GTVT “ngâm”. “Như TP.HCM nếu đủ điều kiện chỉ sau hai ngày là cấp nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu có khi là năm ngày. Vì vậy, tôi đề nghị khi doanh nghiệp đủ điều kiện thì cấp phù hiệu ngay lập tức. Bởi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vận tải bỏ ra nhiều tỉ đồng, nếu thời gian cấp kéo dài thì doanh nghiệp không hoạt động được…”.
Ông Trần Ngọc Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng việc quy định cụ thể số lượng xe gây hạn chế những doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Ông Trần Ngọc Thọ cũng chỉ ra những bất cập trong vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, một phương tiện chuyển hàng từ TP.HCM ra Hà Nội nhưng khi trả hàng xe tải về không. Tuy nhiên, trên đường đi gặp một người dân cần vận chuyển 10 tấn hàng vải thiều, muốn chở nhưng họ không biết gọi ai. Nếu gọi một xe từ Hà Nội vận chuyển vào TP.HCM mất ít nhất 50 triệu đồng. Nhưng nếu tôi nhận vận chuyển số hàng đó thì chỉ có 20 triệu đồng. Như vậy nó có lợi cho đôi bên, giá thành vận chuyển giảm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng được lợi.
Việc bắt buộc phải có hợp đồng vận tải kèm theo khiến tài xế không thể chở hàng: “Theo tôi, hợp đồng vận tải này không cần thiết. Nếu cần thì trong những trường hợp bất khả kháng như xe có đơn hàng ban đêm, đi gấp, không mang theo được hợp đồng vận tải thì lái xe có thể dùng bản chụp gửi qua email cho các tài xế và lực lượng chức năng có thể kiểm tra trên email của tài xế là đủ… Hiện nay CSGT đang rất gắt cái này và sẵn sàng xử phạt doanh nghiệp”.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khẳng định khi vận chuyển hàng hóa không bắt buộc phải mang theo hợp đồng vận tải. Chỉ cần mang theo giấy vận tải từ các điểm xếp hàng. “Tất cả nội dung này đã được quy định trong các văn bản của Bộ GTVT. Nếu ở đâu đó lực lượng kiểm tra vẫn xử phạt, đề nghị nhà xe phản hồi về đường dây nóng để thanh tra, kiểm tra…” - bà Hiền khẳng định.
Về vận tải hành khách tuyến cố định trên 300 km, phải có quy mô 20 xe, 10 và năm xe tùy thuộc vào địa phương, khu vực có điều kiện kinh tế khác nhau và nhiều điều kiện khác… Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng việc đưa ra quy định như trên là yêu cầu từ thực tiễn mô hình hoạt động của doanh nghiệp vận tải trên toàn quốc và các điều kiện về an toàn giao thông.
Cũng theo ông Thọ, các Sở GTVT không nên “ngâm” giấy tờ của các doanh nghiệp. Nếu hồ sơ đầy đủ tối đa hai ngày phải cấp phù hiệu ngay cho doanh nghiệp. “Sắp tới, Bộ GTVT sẽ có văn bản chỉ đạo các Sở GTVT, những cái gì không cần thiết thì phải loại bỏ ngay…” - ông Thọ nhấn mạnh.
Theo lộ trình Nghị định số 86 của Chính phủ, trước ngày 1-7-2016, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ bảy tấn đến dưới 10 tấn thì đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô. Bên cạnh đó, các xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ bảy tấn đến dưới 10 tấn phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình được sử dụng phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông. Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ bảy tấn đến dưới 10 tấn phải được gắn phù hiệu “XE TẢI” theo quy định. |