Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Tính từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (vượt 10,6% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Các bộ, ngành đã trình ban hành và ban hành được 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa hàng loạt thủ tục, giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỉ đồng…
Phát biểu sau đó, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng cải cách TTHC ngày càng khó, phải có biện pháp mạnh hơn, đột phá vào những chỗ khó... Theo ông, ngoài mục tiêu cắt giảm thủ tục theo định lượng 30%-50%, cần tập trung vào mục tiêu thời gian, bởi thực tế cho thấy đôi khi số lượng thủ tục được cắt giảm nhưng thời gian giải quyết một thủ tục lại tăng lên. “Đối với doanh nghiệp, thời gian là chi phí rất quan trọng” - ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận xét thời gian qua chúng ta đã ban hành được nhiều chính sách tốt, đặc biệt là vấn đề cải tiến, bãi bỏ các TTHC nhưng lại có vấn đề ở khâu thực hiện. “Mỗi địa phương hiểu chính sách một cách; mỗi bộ, ngành cũng giải thích chính sách theo cách của mình, nhất là khi chính sách đó dính đến quyền lợi của bộ, ngành đó. Như thế vô hình trung chúng ta đã vô hiệu hóa nhiều chính sách hay” - ông Bình nói và đề nghị hội đồng tư vấn cần rà soát việc này.
Ông Bình cũng bày tỏ sự lo lắng khi “cơ quan quản lý nhà nước ở một số bộ, ngành cứ xa rời dần với thực tế”. Theo ông, điều này khiến việc ban hành một số chính sách rất thiếu tính khả thi, không thể thực hiện được. Ông Bình nhận xét Luật Du lịch vừa ban hành tốt hơn luật trước nhiều nhưng những nghị định, thông tư hướng dẫn lại “trói” trở lại. “Cụ thể, nghị định về kinh doanh du lịch buộc khách sạn năm sao muốn bán rượu phải đăng ký, trong khi Luật Du lịch đã bãi bỏ rồi. Chúng tôi không thể hiểu được vì sao chúng ta lại đi giật lùi như vậy” - vẫn lời ông Bình.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị hội đồng tích cực, chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và TTHC để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, cũng như cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, kiểm tra chuyên ngành…
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là đề cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản còn khiếm khuyết, không phù hợp, thiếu tính khả thi...
Theo Phó Thủ tướng, vừa qua Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg 2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tình trạng này hiện đã dần được khắc phục nhưng vẫn còn nhiều dư luận về việc doanh nghiệp phải chi phí ngoài luồng. “Tinh thần chỉ đạo mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng trên. Có như vậy mới tạo sự chuyển biến mới, tích cực!” - Phó Thủ tướng lưu ý.