Vẫn còn ý kiến khác nhau về đề xuất đánh thuế nhà đất thứ 2

(PLO)-  Dự thảo nghị quyết Quốc hội cho phép HĐND TP.HCM được tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Bộ KH&ĐT vừa có văn bản đốc thúc các bộ, ngành có ý kiến về dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (lần 3). Theo Bộ KH&ĐT, đến ngày 5-3, bộ này vẫn chưa nhận được ý kiến một số bộ, ngành về vấn đề này để báo cáo Thủ tướng.

Theo dự thảo lần 3 đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến, HĐND TP.HCM được quyết định áp dụng trên địa bàn TP tăng mức thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (mức tăng không quá 5 lần mức thu hiện hành) và tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (mức tăng không quá 2 lần mức hiện hành).

Một góc TP Thủ Đức hiện nay. Ảnh: ĐÔNG GIANG
Một góc TP Thủ Đức hiện nay. Ảnh: ĐÔNG GIANG

HĐND TP.HCM được quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án

Song song đó, ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỷ lệ % đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài, trong nước của Chính phủ về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Trước đó, báo cáo Thường trực Chính phủ về dự thảo lần 3 trên, Bộ KH&ĐT cho biết các bộ, ngành thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các luật hiện hành. Tuy nhiên, còn một số nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, phạm vi tác động lớn cần xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Cụ thể là việc đánh thuế cao đối với người sở hữu nhà thứ 2 trở lên. Đây là cơ chế tạo nguồn thu ngân sách cho TP và kết quả thí điểm là cơ sở xem xét áp dụng trên phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, qua thảo luận còn một số tồn tại các bất cập.

Chẳng hạn, chính sách này có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp, như người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có hai nhà ở, đất ở trở lên có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế; Chưa phù hợp với điều kiện thực tế vì các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ và việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên.

Song song đó, cơ chế này còn tác động đến thị trường bất động sản, làm giảm cả cung và cầu thị trường bất động sản trên địa bàn TP. Đặc biệt hiện có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế đối với việc sở hữu nhà đất thứ hai trở lên.

Kỳ họp thứ năm vào tháng 5-2023 sẽ thông qua nghị quyết

Theo yêu cầu của Chính phủ, dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM dự kiến trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 3-2023. Tháng 4 sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần 1 và đến tháng 5 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần 2. Cuối tháng 5 dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm