Vấn đề pháp lý từ việc Nga dọa quốc hữu hóa doanh nghiệp phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin nội bộ cho biết giới chức Nga đã gửi cảnh báo đến hàng loạt công ty như Coca-Cola, McDonald’s, Procter & Gamble Co., International Business Machines và chủ sở hữu KFC Yum Brands rằng các công ty này sẽ bị quốc hữu hóa tài sản nếu rút khỏi thị trường Nga.

Cảnh báo này của Moscow khiến ít nhất một trong các công ty bị nhắm đến phải hạn chế giao tiếp giữa chi nhánh ở Nga và các chi nhánh còn lại do lo ngại tin nhắn, email bị chặn. Các doanh nghiệp (DN) khác cũng đã phản ứng bằng cách điều chuyển lãnh đạo cấp cao khỏi Nga. Trước đó, Nhà Trắng cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt nặng hơn nếu Nga quốc hữu hóa tài sản của DN nước ngoài.

Một cửa hàng thời trang của thương hiệu Uniqlo (Nhật) hoạt động ở thủ đô Moscow (Nga) ngày 9-3. Ảnh: REUTERS

Quốc hữu hóa là gì?

Về định nghĩa, quốc hữu hóa là thuật ngữ dùng để chỉ việc chính quyền một quốc gia tước quyền sở hữu tài sản của một cá nhân hoặc một tổ chức và chuyển tài sản đó thuộc quyền sở hữu quốc gia và được thể hiện ở hai dạng: Có bồi thường và không được bồi thường (còn gọi là sung công hoặc tịch thu) - việc tịch thu mà chính quyền Nga đem ra cảnh báo các DN phương Tây rơi vào dạng này.

Dưới góc nhìn của công pháp quốc tế, quốc hữu hóa thường được chính quyền của quốc gia tiến hành quốc hữu hóa giải thích bằng học thuyết hành vi quốc gia. Theo học thuyết này, một quốc gia có chủ quyền được phép có toàn quyền hành động trong phạm vi lãnh thổ hợp pháp của mình mà không bị xét xử bởi một tòa án của quốc gia khác.

Nói cách khác, học thuyết hành vi quốc gia cho rằng tòa án của một quốc gia không có thẩm quyền xét xử một quốc gia khác khi: (1) quốc gia đó đang thực hiện một hành vi thể hiện uy quyền quốc gia và (2) hành vi được thực hiện trên lãnh thổ hợp pháp của quốc gia đó.

Học thuyết này làm phát sinh nguyên tắc mà người ta gọi là “nguyên tắc giới hạn thẩm quyền của một tòa án địa phương đối với một quốc gia khác” và là một dạng đặc quyền đối với chủ thể là quốc gia.

Học thuyết hành vi quốc gia không phải là một nguyên tắc được chế định trong luật pháp quốc tế (không được tạo ra từ hiệp ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế) nhưng vẫn được áp dụng như một nguyên tắc tổng quát của luật quốc tế do được thừa nhận và áp dụng ở hệ thống tòa án của một số quốc gia có ảnh hưởng, ở đây là Mỹ.

Cần phải làm rõ việc Mỹ thừa nhận nguyên tắc này không phải nhằm bảo vệ quyền lợi của quốc gia khác mà chỉ nhằm đảm bảo quyền lực của chính quyền nước này trong hoạt động liên quan tới nước khác, để không bị ràng buộc bởi thẩm quyền xét xử từ tòa án của các nước khác.

Tuy có nhiều cách để giải thích và biện minh cho hành vi quốc hữu hóa nhưng xét trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa với các hoạt động thương mại xuyên quốc gia diễn ra liên tục thì việc này có thể sẽ mang lại những tác động tiêu cực về mặt kinh tế - chính trị, nhất là khi một quốc gia sử dụng quốc hữu hóa như một biện pháp nhằm trả đũa vì mâu thuẫn với một quốc gia khác.

Nhiều tiền lệ

Một án lệ kinh điển thường được nhắc tới khi bàn về quốc hữu hóa và học thuyết hành vi quốc gia là vụ Công ty Farr, Whitlock & Company kiện chính quyền Cuba ra Tối cao Pháp viện Mỹ vào năm 1964. Vụ việc phát sinh sau khi chính quyền Cuba thời điểm nổ ra cách mạng đã thực hiện quốc hữu hóa ngành công nghiệp sản xuất đường, nắm quyền kiểm soát các nhà máy tinh chế đường và các nhà máy khác có liên quan. Rất nhiều nhà đầu tư Mỹ sau đó đã bị thiệt hại do đầu tư vào các nhà máy này mà không được bồi thường, trong đó có Farr, Whitlock & Company. Dù nhiều nhà đầu tư Mỹ đã chịu tổn thất lớn vì mất vốn đầu tư vào nhà máy đường bị chính phủ Cuba quốc hữu hóa nhưng Tối cao Pháp viện Mỹ đã chấp nhận áp dụng học thuyết hành vi quốc gia để bác đơn kiện của các công ty Mỹ với chính quyền Cuba.

Một ví dụ điển hình khác về quốc hữu hóa có thể kể đến là Venezuela dưới thời Tổng thống Hugo Chavez. Trong giai đoạn ông nắm quyền, Venezuela đã tiến hành quốc hữu hóa ngành điện, viễn thông, thép, khai thác vàng, ngân hàng và hàng chục công ty dầu khí cả trong nước lẫn nước ngoài hoạt động ở nước này nhưng vẫn chấp nhận bồi thường cho họ. Một trong những vụ bồi thường gây tranh cãi là việc Hội đồng thương mại quốc tế (ICC) năm 2011 ra phán quyết yêu cầu Venezuela bồi thường 908 triệu USD cho Tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil.

Bên cạnh Venezuela, một quốc gia thuộc Nam Mỹ khác như Bolivia hoặc Argentina cũng đẩy mạnh quốc hữu hóa và vẫn tiếp tục hành động này cho đến những năm gần đây. Argentina đã quốc hữu hóa hoàn toàn ngành dầu khí từ năm 2006 trong khi Ecuador đang áp dụng mức thuế 70% vào lợi nhuận thu được từ dầu mỏ từ phía tư nhân.•

Đại sứ quán Nga tại Mỹ hiện đã lên tiếng bác bỏ thông tin của The Wall Street Journal và cáo buộc báo này phát tán tin giả. Cơ quan này lập luận rằng quyết định “có tiếp tục hoạt động kinh doanh ở đất nước chúng tôi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người Mỹ”.

Quốc hữu hóa tài sản nước ngoài, Nga sẽ làm gì tiếp?

Trả lời phỏng vấn của đài DW, chuyên gia luật quốc tế Marc Bungenberg thuộc ĐH Saarland (Đức) cho rằng trong trường hợp Nga thực hiện đúng lời cảnh báo và tiến hành quốc hữu hóa tài sản của DN phương Tây rút khỏi thị trường Nga thì nước này cũng không thu được lợi ích gì đáng kể. Các nhà bán lẻ phương Tây như Zara, H&M, IKEA nổi tiếng ở Nga và tuyển dụng nhiều người nhưng hầu hết các sản phẩm của họ đến từ nước ngoài.

“Tất cả đều là hàng nhập khẩu. Vì vậy, những cửa hàng này sẽ trống rỗng và sau đó Nga có nhân viên nhưng không có gì để bán. Điều đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Moscow có thể cố gắng hỗ trợ cấp lương cho những người này nhưng cũng sẽ nhanh chóng hết tiền. Các lệnh trừng phạt hiện ngăn Nga vay nợ trên thị trường quốc tế” - ông Bungenberg nói.

Theo chuyên gia này, thứ duy nhất có lợi cho Nga trong ngắn hạn đó là nguồn cung thực phẩm và cho rằng các công ty nông nghiệp quốc tế sản xuất sữa, pho mát ở Nga có thể được quốc hữu hóa một cách dễ dàng và trưng dụng được ngay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm