Tăng tốc dự án đốt rác phát điện ở TP.HCM- Bài cuối

Vận dụng Nghị quyết 98 để chuyển đổi công nghệ xử lý rác

(PLO)- Thời gian qua, lãnh đạo TP đã có sự quan tâm chỉ đạo trong việc thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để rõ hơn về vấn đề xử lý rác bằng công nghệ cũng như tháo gỡ những nút thắt để đẩy nhanh việc thực hiện các nhà máy đốt rác phát điện, Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng (ảnh), Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, về vấn đề này.

30-p9-bai-viethoa-hinh-temp.jpg

80% rác phải được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện vào năm 2025

. Phóng viên: Hiện nay số lượng rác thải sinh hoạt ở TP.HCM rất lớn, công nghệ xử lý rác thải của TP hiện tại cũng dần lạc hậu, vậy TP.HCM có định hướng gì để giải quyết vấn đề xử lý rác thải, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM phát sinh bình quân mỗi ngày 9.800-10.500 tấn rác sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về xử lý tại hai khu liên hợp gồm Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh). Theo đó, khối lượng rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh hiện nay vẫn còn khá cao (lên đến 69%), còn lại được xử lý bằng công nghệ ủ hiếu khí để sản xuất compost và công nghệ đốt không thu hồi năng lượng.

Nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn năng lượng trong rác sinh hoạt cũng như đóng góp vào các thỏa thuận quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính, lãnh đạo TP đã đặt trọng tâm trong việc triển khai áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến có thu hồi năng lượng theo mô hình nhà máy đốt rác phát điện.

Các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện trên địa bàn TP có mục đích chính là xử lý rác áp dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an ninh chất thải trên địa bàn TP. Đồng thời giảm tỉ lệ chất thải xử lý bằng hình thức chôn lấp theo đúng định hướng của quốc gia và đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu liên hợp xử lý chất thải của TP.HCM.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra chỉ tiêu về công nghệ xử lý rác là đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới năm 2030: 100%). Chỉ tiêu này cũng được đưa vào chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 phê duyệt tại Quyết định 1055/2021 của UBND TP.

Đốt rác phát điện .JPG
Khí thải từ nhà máy chôn lấp rác ở huyện Củ Chi. Ảnh: NC

Hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý

. Hiện nay, các chủ đầu tư dự án đốt rác phát điện trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề về thủ tục pháp lý nên các nhà máy vẫn “đứng hình”. Vậy TP.HCM đã có hỗ trợ gì cho những đơn vị này?

+ Để đảm bảo tiến độ đề ra, UBND TP đã luôn đồng hành, hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ. Cụ thể, UBND TP đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng hỗ trợ giải quyết vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ của các doanh nghiệp.

Khó khăn, vướng mắc lớn nhất của các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác trên địa bàn TP là chưa được đưa vào danh mục các dự án điện sản xuất từ rác tại Bảng 12 - Phụ lục III - Danh mục các loại hình nguồn điện vận hành giai đoạn 2023-2030 đính kèm Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch Quy hoạch điện VIII), ban hành tại Quyết định 262/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, công suất nguồn điện sản xuất từ rác đến năm 2030 bố trí cho TP.HCM tại Bảng 5 - Phụ lục II - Kế hoạch Quy hoạch điện VIII chỉ 123 MW.

Do đó, để các dự án đốt rác phát điện sớm được triển khai thì Bộ Công Thương cần ưu tiên và quan tâm bố trí Quy hoạch điện VIII cho các dự án này. Tinh thần là đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỉ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Mục đích chính của các nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn TP là xử lý rác áp dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an ninh chất thải trên địa bàn TP và đảm bảo vệ sinh môi trường.

30-p9-bai-viethoa-h1.jpg
Nước rỉ rác ở bãi chôn lấp tại huyện Củ Chi gây ảnh hưởng đến những khu vực xung quanh. Ảnh: NC

“Việc triển khai Nghị quyết 28/2023 của HĐND TP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về đấu thầu cung ứng dịch vụ xử lý rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.”

Vận dụng Nghị quyết 98 vào chuyển đổi công nghệ xử lý rác

. Một trong những nội dung cơ chế đặc thù cho TP trong Nghị quyết 98/2023 là nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được UBND TP xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng. Vậy nghị quyết này đã được vận dụng ra sao?

+ Để thực hiện chỉ tiêu của nghị quyết đề ra, TP đã có chủ trương thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý rác của các nhà máy hiện hữu bằng cơ chế đặc thù. Cụ thể là ngày 8-12-2023, HĐND ban hành Nghị quyết 28/2023 quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung đối với các nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng. Nghị quyết này triển khai nội dung tại khoản 11 Điều 6 Nghị quyết 98.

Việc triển khai Nghị quyết 28 sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về đấu thầu cung ứng dịch vụ xử lý rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Đồng thời tạo hành lang pháp lý cho TP.HCM chủ động đặt hàng khối lượng cung ứng dịch vụ xử lý rác với các chủ đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng.

Hiện nay, TP đang triển khai rà soát, xét duyệt các tiêu chí năng lực được nêu tại Nghị quyết 28 để tiến hành đặt hàng bổ sung đối với các nhà đầu tư thuộc nhóm các dự án này. Đây chính là cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian đầu tư dự án, vì cho đến thời điểm hiện nay việc triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ đốt phát điện theo phương thức PPP còn khá mới và chưa được thực hiện tại hầu hết tỉnh, TP.

Ngoài ra, Nghị quyết 28 chính là pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu chuyển đổi công nghệ thay vì tiếp tục các hợp đồng đã ký để thực hiện xử lý với công nghệ chôn lấp hay đốt không phát điện do việc đầu tư chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện cần vốn đầu tư rất lớn. Do đó, chủ đầu tư các cơ sở xử lý hiện hữu đã đề xuất chuyển đổi công nghệ và nâng công suất xử lý rác để đảm bảo việc đầu tư đạt hiệu quả.

. Xin cảm ơn ông.•

Sẽ gỡ các điểm vướng cho những dự án đốt rác phát điện

Thời gian qua, lãnh đạo TP đã có sự quan tâm chỉ đạo trong việc thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ. Sở TN&MT sẽ tiếp tục triển khai các nội dung công việc trong thời gian tới.

Cụ thể, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 28 của HĐND TP, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để Công ty CP Vietstar, các dự án của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP nhanh chóng triển khai công tác xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.

Sở TN&MT tiếp tục giữ vai trò đầu mối theo dõi, tổng hợp các nội dung liên quan đến tiến độ thực hiện các dự án chuyển đổi công nghệ trên địa bàn TP theo Nghị quyết 28 báo cáo UBND TP định kỳ và đột xuất trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm