Tăng tốc dự án đốt rác phát điện ở TP.HCM - Bài 2

TP.HCM cần sớm vận hành nhà máy đốt rác phát điện

(PLO)- Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện TP đang đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn, các đơn vị xử lý được yêu cầu tăng tốc để sớm đi vào hoạt động.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công nghệ đốt rác phát điện hiện được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều nhà máy đã áp dụng công nghệ đốt rác phát điện và mang lại hiệu quả nhất định. Cụ thể, Việt Nam hiện có 15 nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng, trong đó có ba nhà máy đã chính thức phát điện.

Đốt rác phát điện mang lại hiệu quả kinh tế

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE), cho biết nhà máy đốt rác của công ty khánh thành đầu năm 2024, nhà máy phát điện 5 MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày đã góp phần xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương. “Nhà máy đi vào vận hành đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày công ty xử lý khoảng 2.500 tấn rác sinh hoạt, lượng điện thu được hiện tại mỗi ngày công ty sử dụng vào vận hành, không phải mua điện, góp phần giảm lượng chi phí rất lớn” - ông Thiền nói.

28-p9-bai-viethoa-h1.jpg
Nguồn nước của người dân bị ảnh hưởng từ bãi chôn lấp rác. Ảnh: NC

Ông Thiền đánh giá công nghệ này cần sớm vận hành ở nhiều nơi, nhất là TP.HCM do lượng rác mỗi ngày tại TP thải ra quá lớn. “Công nghệ đốt rác phát điện vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa mang lại ý nghĩa rất lớn cho cộng đồng chính là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường” - ông Thiền nói.

Đánh giá về hiệu quả của công nghệ đốt rác phát điện, GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng TP.HCM cần sớm chuyển đổi từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.

“TP.HCM mỗi ngày thải ra gần 10.000 tấn rác thải, con số này sẽ càng ngày càng tăng, dần dần chúng ta sẽ không có đất để chôn lấp. Chưa kể việc chôn lấp mang vấn đề nước thải, mùi hôi... ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. TP đã nhìn được và đã có hướng thực hiện công nghệ đốt rác từ nhiều năm trước, cụ thể là đã có dự án khởi công từ năm 2019 nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân khiến nhà máy chưa thể đi vào hoạt động. Điều này các cơ quan, sở, ngành TP.HCM cần quan tâm, hỗ trợ gỡ vướng cho các dự án” - GS-TS Lê Thanh Hải nói.

Gấp rút bổ sung hồ sơ

Ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietstar, cho hay công ty đã thực hiện khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) từ năm 2019 nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa thể vận hành vì vướng mắc một số loại giấy phép.

“Để chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt rác phát điện, công ty đã đầu tư vào các hệ thống như phân loại, tái chế và đốt rác phát điện. Hiện tại công ty đã có nhiều giấy phép để thực hiện dự án này nhưng những giấy phép chính để chúng tôi đầu tư và xây dựng chưa được cấp nên vẫn phải chờ” - ông Việt nói.

Liên quan đến công tác chuyển đổi công nghệ xử lý rác, ông Phan Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV CITENCO, cho biết công ty đã nộp hồ sơ đề xuất dự án “Chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện tại bãi chôn lấp số 3” trình Sở TN&MT xem xét từ cuối năm 2019. Quá trình xem xét, Sở TN&MT đã chủ trì họp tổ liên ngành thẩm định các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP nhiều lần và đã hướng dẫn công ty chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án.

TP đang tập trung hoàn tất thủ tục để khởi công thực hiện các dự án đốt rác phát điện. Một số dự án như CITENCO, VWS, TP đang yêu cầu nộp các hồ sơ cần thiết để từng bước thực hiện dự án. TP đã và đang thực hiện tháo gỡ những khó khăn cho các dự án đốt rác phát điện, cụ thể là tháo gỡ các thủ tục pháp lý về quy hoạch xây dựng, các thủ tục về đất đai... mà các chủ đầu tư đang vướng.

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Theo ông Thái, đến nay Sở TN&MT đã có văn bản đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bãi chôn lấp số 3 - giai đoạn 1, giao CITENCO làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 1.000 tấn/ngày, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi).

đốt rác phát điện.JPG
Khí thải từ bãi chôn lấp rác ở huyện Củ Chi ảnh hưởng đến người dân. Ảnh: NC

“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, công ty đã có văn bản kiến nghị Sở TN&MT xem xét trình UBND TP nhiều nội dung. Cụ thể là giao đất để thực hiện dự án; đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng của lưới điện quốc gia đến vị trí xây dựng nhà máy tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp và hỗ trợ giải quyết các thủ tục liên quan để công ty được đấu nối nguồn điện phát ra từ nhà máy vào mạng lưới điện quốc gia tạo ra nguồn thu cho dự án, từ đó giảm giá thành dịch vụ xử lý rác cho TP” - ông Thái chia sẻ.

Trao đổi với PV, Sở TN&MT TP.HCM cho hay TP.HCM đang đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn. Các đơn vị xử lý được yêu cầu tăng tốc để sớm đi vào hoạt động. Hiện Công ty CP Vietstar đang lập thủ tục cấp giấy phép xây dựng. TP cũng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ các dự án quy hoạch điện và báo cáo tiến độ các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt.

“Các chủ đầu tư được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và phối hợp với Sở Công Thương về các thủ tục pháp lý quy hoạch điện. Sở Xây dựng được đề nghị hỗ trợ Công ty CP Vietstar. Sở KH&ĐT phối hợp thẩm định báo cáo tiền khả thi dự án tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc” - Sở TN&MT TP cho hay

Cũng theo Sở TN&MT TP, dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của Công ty CP Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa chỉ có thể hoàn thành vào giai đoạn cuối năm 2025 nếu hai công ty nỗ lực hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án, triển khai xây dựng nhà máy và lắp đặt thiết bị trong thời gian rút ngắn từ 18 tháng đến 24 tháng.•

Giải quyết được lượng rác lớn cho TP.HCM

Tháng 8-2019, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), Công ty CP Vietstar khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên với số vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Nhà máy dự kiến vận hành giai đoạn 1 trong năm 2020, sẽ xử lý 2.000 tấn rác/ngày. Đến năm 2021, công suất xử lý dự kiến đạt 4.000 tấn/ngày. Nhưng nhà máy này hiện vẫn chưa đi vào vận hành do vướng thủ tục pháp lý.

Ngày 20-7-2024, tại huyện Củ Chi, TP.HCM đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1. Nhà máy giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 với công suất đốt rác đạt 2.000-2.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 60 MW, tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm