Văn hóa giao thông tỉ lệ nghịch với PT kinh tế

Có nhiều án mạng xảy ra chỉ vì một va chạm nhỏ có thể giải quyết nhẹ nhàng, êm thấm nếu có văn hóa ứng xử.

Mới đây một clip chiếu đi chiếu lại trên tivi làm nhiều người bức xúc, phẫn nộ: Một thanh niên chạy xe máy va quẹt với một ô tô bốn chỗ do một người đàn ông lớn tuổi cầm lái trên một đoạn đường đông đúc người xe, anh ta đã chạy vọt lên chặn đầu ô tô, đập vỡ cửa kính xe. Thấy vậy, cô gái đi trên xe mở cửa bước xuống tính nói chuyện phải quấy đã bị thanh niên này dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu cô, nhiều người đi đường phải nhào vô can gián. Tin mới nhất, công an đã triệu tập thanh niên này đến làm việc.

Rõ ràng văn hóa giao thông ở nước ta đang tỉ lệ nghịch với sự phát triển kinh tế. Sự nghịch lý đan chéo, đan chùm với bao chuyện tréo ngoe, khó gỡ. Đường càng mở rộng lại càng kẹt. Như vừa mới mở thêm 2-3 đường trên cao dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất lại càng kẹt xe dữ. Nhìn cảnh những hành khách bỏ xe đang kẹt cứng trên đường, mang kéo hành lý chạy bộ vào sân bay cho kịp giờ, không hiểu các nhà quy hoạch nghĩ gì? Những nhà hoạch định chính sách đang phác thảo quy trình cấm xe máy vào năm 2030 ở Hà Nội và TP.HCM nhưng chưa nghe nói cấm hay giới hạn ô tô. Chẳng lẽ ô tô không làm kẹt xe?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng vừa yêu cầu Bộ GD&ĐT cần khẩn trương soạn thảo bộ quy tắc an toàn giao thông để đưa vào chương trình giáo dục văn hóa giao thông trong trường học. Thực tế, từ lâu nay an toàn giao thông cũng đã được dạy trong trường học nhưng chỉ là lồng ghép trong chương trình giáo dục công dân, dạy phất phơ lấy có. Đã đến lúc vấn đề an toàn giao thông và văn hóa giao thông cần phải có chương trình dạy phù hợp với từng lứa tuổi trong các cấp học phổ thông. Nếu được thực thi nghiêm túc, chắc chắn sau 12 năm học xong ba cấp, các em sẽ trở thành những người có văn hóa giao thông, biết tôn trọng luật giao thông và bảo vệ an toàn giao thông cho chính mình và những người “tham gia giao thông” khác.

Nhân đây cũng xin góp ý với Ban An toàn giao thông về cụm từ “tham gia giao thông” nhiều lúc đã bị đặt không đúng chỗ. Đôi khi trên đường chúng ta bắt gặp các panô, áp phích viết “Không tham gia giao thông sau khi uống rượu bia”. “Tham gia giao thông” có thể là đi bộ, đi xe buýt, đi taxi hay xe ôm... chứ không nhất thiết là lái xe nên chẳng lẽ say rượu không được... đi về bằng taxi? Nên điều chỉnh lại cho hợp lý và đặt cho đúng chỗ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới