Gần đây, có những tình huống va chạm nhẹ trên đường phố nhưng người ta có thể xuống tay đánh đồng loại ngay trên đường như cảnh một nam thanh niên dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu cô gái ở Đồng Nai ngày 27-6, hai thanh niên đánh một anh Tây trên đường phố Hà Nội…
Dưới đây là một số ý kiến của bạn đọc và chuyên gia bày tỏ sự bất bình về những ứng xử kém văn hóa tương tự. Còn bạn thì sao? Các ý kiến xin vui lòng gửi về mail: banbandoc@phapluattp.vn.
Nam thanh niên dùng mũ bảo hiểm choảng vào đầu cô gái sau vụ va chạm ở Đồng Nai ngày 27-6. (Ảnh cắt từ clip)
Sợ lắm rồi, giờ ra đường phải cẩn thận
Tôi thấy giới trẻ hiện nay rất thiếu kiềm chế, những chuyện va quẹt xe bình thường mà cũng có thể đánh nhau, người đi đường càng can ngăn thì mức độ “anh hùng” của những kẻ hiếu thắng càng tăng lên. Nhớ vụ một nhạc sĩ bị hai phụ nữ đâm chết sau cú va quẹt xe trước đây hay vụ một người nước ngoài bị đánh mang thương tích khi bị ngã xe nhẹ vào ô tô gần đây mà ngại đi ra đường.
Tôi hay dặn người nhà giờ chạy xe phải cẩn thận, không thì họa đến lúc nào không biết vì nếu chẳng may bị va quẹt xe, nếu xử lý không khéo có khi bỏ mạng chứ chẳng chơi. Đi ra đường lỡ có xảy ra va chạm, dù mình đúng hay sai thì cách ứng xử tốt nhất là xin lỗi đối phương rồi sau đó thì tùy cơ ứng biến. Nếu người kia to tiếng thì mình không nên tranh luận lại, thấy tình hình căng thẳng nên báo công an xử lý, như vậy cho an toàn.
NGUYỄN QUỐC THẠNH, TP Đà Nẵng
Lúc nào cũng cho mình đúng
Những trận cãi nhau to tiếng trên đường sau các vụ va quẹt xe nhẹ là chuyện thường ngày mà tôi hay gặp. Hễ cứ thấy ai đụng vào mình, thay vì đứng dậy dẫn xe lên lề và phân tích lỗi đúng sai thì đa phần nhiều người cứ để xe giữa đường chửi bới, cãi lộn với nhau, thậm chí đánh nhau.
Hôm qua tôi chứng kiến cảnh một chị chạy xe máy lấn sang chiều ngược lại và vô tình đụng phải một xe máy của anh thanh niên. Ngay lập tức anh này quay sang to tiếng chửi liên hồi. Lúc đó chị cũng chẳng chịu thua, cự cãi quyết liệt. Thế là cả một đoạn đường dài bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Lẽ ra chị kia khi gây ra tai nạn nên chủ động nói lời xin lỗi, còn người bị nạn biết bỏ qua thì đâu có chuyện gì xảy ra. Dường như sự nhường nhịn, tha thứ của chúng ta dần dần bị mất đi, thay vào đó là sự hơn thua, hiếu thắng và lúc nào cũng cho là mình đúng.
NGUYỄN HỮU LÝ, 316/7 khu phố 5, phường Thạnh Xuân, quận 12 , TP.HCM
Mũ bảo hiểm trở thành trợ thủ đắc lực!
Sáng sớm hôm trước, khi tôi đang chạy xe máy trên quốc lộ 1A thì chứng kiến vụ va chạm xe giữa một thanh niên và một người đàn ông trung niên. Anh thanh niên này đi ngược chiều và đụng phải người đàn ông. Lúc đó tôi thấy cả hai đều bị thương nhẹ, anh thanh niên vừa khóc vừa năn nỉ được tha, còn người đàn ông thì to tiếng vừa chửi vừa lấy mũ bảo hiểm đánh vào đầu anh này.
Mọi người xung quanh xúm lại năn nỉ người đàn ông tha cho anh thanh niên nhưng ông này càng đánh mạnh hơn và nói to: “Đánh cho nó chừa!”. Người dân ai chứng kiến cũng bức xúc, có người lao vào giải cứu anh thanh niên. Một số người xung quanh trách móc: “Người gì mà ác thế, thằng nhỏ biết lỗi rồi mà đánh hoài”.
Khi chứng kiến vụ việc trên, tôi bị ám ảnh về người đàn ông ấy và thấy sao giờ người ta đối xử với nhau tàn ác thế. Ai cũng có lúc sai lầm, khi người ta biết lỗi rồi sao không thể cho qua một cách nhẹ nhàng mà cứ phải tung nắm đấm để xả cơn tức giận. Đó là chưa kể hành vi dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu người khác dễ gây thương tích nặng và đi tù như chơi.
Khi mâu thuẫn trên đường đi, người ta vớ được cái gì thì lấy cái đó làm công cụ để đánh nhau, tôi quan sát trong đó mũ bảo hiểm là được dùng nhiều nhất. Thật không ngờ mũ bảo hiểm với mục đích ra đời để bảo vệ thương tích cho người tham gia giao thông mà bây giờ nó lại là trợ thủ đắc lực cho những trận choảng nhau khi va quẹt xe.
NGUYỄN THỊ CẨM NHUNG, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM
Khi dùng sức mạnh thành công, họ dễ coi đó là chuẩn mực Rất nhiều người trong chúng ta chưa quen với cách hành xử, giao tiếp văn minh với câu chuyện giao thông. Người tham gia giao thông khi gặp tình huống va chạm rất ít khi tự nhận thấy lỗi thuộc về mình trước hết, mà thường nhảy xuống để gây áp chế. Khi va chạm giao thông mà người ta dùng sức mạnh để tấn công lẫn nhau nó xuất phát từ một tâm lý mạnh được yếu thua, mồm to là được. Thế nên chưa cần biết đúng biết sai, cứ va chạm là phải chứng tỏ mình, phải thể hiện mình có khả năng áp chế người khác hơn nhằm giành thế thượng phong. Mà khi người ta áp dụng nhiều lần hoặc thấy người khác áp dụng thành công thì coi đó là chuẩn mực để ứng xử khi có biến cố. Chúng ta đang kêu gọi xây dựng văn hóa giao thông. Người ta chỉ làm việc ấy thực sự nhẹ nhõm xuất phát từ lợi ích của họ, hành xử lúc đó mới trở thành văn hóa. Thiết nghĩ chúng ta hãy kêu gọi thực hiện đúng luật đi, có các chế tài đủ mạnh, không có khoảng trống, không có sự xin xỏ thì may ra mới cải thiện được. PGS-TS TRỊNH HÒA BÌNH, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam VIẾT THỊNH ghi |