Ấn tượng cải lương lịch sử

Lịch sử là điểm mạnh

Dẫu thiếu vắng các vở có đề tài hiện đại song cải lương lịch sử, chiếm ưu thế về số lượng, là ưu điểm chứ không phải khuyết điểm của hội diễn lần này.

Hầu hết kịch bản lịch sử dự thi đều do những nhà văn, nhà biên kịch gạo cội chấp bút nên chất lượng kịch bản đầy đặn, sâu sắc ở tính văn học, chiều sâu tư tưởng, tâm lý nhân vật... Mỗi vở diễn đều tạo được những khoảnh khắc lắng đọng nơi người xem bởi tình cảm yêu nước thiêng liêng của tiền nhân được tái hiện trên sân khấu. Các vở diễn còn cung cấp cho khán giả một lượng kiến thức lịch sử không nhỏ về nhiều triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... qua những câu chuyện chính sử lẫn dã sử hấp dẫn. Có những khán giả sau mỗi vở diễn thú vị đã lên Google tra cứu thêm về các vương triều và các nhân vật lịch sử để hiểu rõ hơn.

Ấn tượng cải lương lịch sử ảnh 1

Những diễn viên trẻ trong Lễ mở xiêm áo - một vở cải lương lịch sử gây chú ý. Ảnh: HÒA BÌNH

Hình thức cổ trang, cung đình là thuận lợi lớn cho các đoàn tạo nên những cảnh dựng và diễn hoành tráng, đẹp mắt, thu hút công chúng. Những trình thức vũ đạo tuồng cổ cũng là phương tiện hỗ trợ không ít cho diễn xuất của diễn viên, lại khiến sân khấu thêm sinh động. Tất cả yếu tố trên hợp lại làm nên sự lung linh, màu sắc rất đặc trưng của cải lương mà khán giả vốn say mê.

Thực tế cũng cho thấy tại “thánh địa” cải lương Sài Gòn, những vở tuồng sử màu sắc như Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh, Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án diễn đi diễn lại hàng chục năm liền mà vẫn có khán giả. Hội diễn lần này cho thấy tiềm năng bán vé ở nhiều tuồng sử Việt mới ra lò không kém phần hấp dẫn.

Tiềm năng cải lương đất Bắc

Cùng với hiện tượng cải lương lịch sử lên ngôi, hội diễn lần này còn để lại ấn tượng mạnh về cải lương đất Bắc. Cải lương Bắc có thể ví như một người học trò giỏi đã học hết những nét tinh tế, kinh điển của cải lương đất tổ Nam Bộ. Hầu hết các đoàn phía Bắc đã trình diện những vở diễn chỉn chu từ phục trang, cảnh trí, vũ đạo đến lối ca diễn chân phương, chú trọng nét tự sự, trữ tình đặc trưng của cải lương trong dàn dựng. Thậm chí các đoàn miền Bắc còn giữ được cây violon trong dàn đờn khiến âm nhạc cải lương thêm truyền cảm, trong khi đó nhạc cụ này nay rất hiếm thấy ở các đoàn miền Nam. Những nét dựng sáng tạo của hai đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai và Triệu Trung Kiên càng khiến cải lương Bắc lấy được cảm tình của khán giả phương Nam.

Cũng là giữ nét cũ, diễn theo lớp, màn, song có những đoàn cải lương Nam Bộ khá xuề xòa trong dàn dựng lẫn phục trang nên vở diễn kém phần tinh tế về hình thức. Nội dung một số vở lại sáo mòn không chỉ ở đề tài mà còn ở môtíp cũ kỹ như hội đồng ác ôn, cướp vợ của tá điền; ta thắng giặc thua với cái kết thấy trước... Những tìm tòi của cải lương phương Nam ở những vở như Trở về miền nhớ, Khu vườn thượng đế, Cổ tích thời hiện đại chỉ chú trọng vào hình thức, tư tưởng mà bỏ quên tính tự sự, trữ tình, nét chân phương của cải lương - như lời đạo diễn Huỳnh Nga nên đã không đến gần được khán giả.

Thật may, cải lương phương Nam càng về sau càng đưa ra những vở diễn nhuần nhị khiến người xem xúc động như Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Mẹ của chúng con, hay có nét mới dễ gần như Dấu ấn giao thời, Bến nước Ngũ Bồ.

Lo lắm “ca” cải lương!

Hội diễn cải lương lần này đã trình diện được một lực lượng nghệ sĩ trẻ có sắc vóc và diễn xuất tiềm năng nhưng thật hiếm hoi những giọng ca đặc sắc, có khả năng chinh phục khán giả như những thế hệ trước. Điều này thật đáng buồn và lo bởi nghệ sĩ cải lương cần nhất là chất giọng.

Việc chuyển thể cải lương ở nhiều kịch bản lần này cũng không ít lần khiến khán giả khó chịu. Khá nhiều vở tuồng có đến hơn 20 phút không ca một câu, như đang diễn kịch nói. Từ lâu giới mộ điệu đã báo động về tình trạng cải lương bị hư vì kiểu làm “kịch nói đâm bài ca” nhưng vẫn chưa được chú ý thỏa đáng

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm