Cải lương vào phòng trà

Vở cải lương Lan và Điệp nổi tiếng từ mấy chục năm nay, nhưng lớp trẻ chưa chắc đã biết hết. Cải lương đang dần phai nhòa trong thế hệ mới. Nhiều người đau đáu lo âu.

Ca sĩ Quang Thành đã định cư từ lâu ở Mỹ, có cuộc sống ổn định, có một ban nhạc trẻ để thỏa mãn nghề nghiệp; vậy mà anh lại mắc nợ cải lương, tự dưng theo học nghề, rồi làm “bầu” tổ chức sô diễn, bây giờ thì đi ca cải lương gần như chuyên nghiệp cùng với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Bạch Tuyết, Phượng Liên, Lệ Thủy, Tài Linh, Mộng Tuyền...

Và Quang Thành muốn tìm cách đưa cải lương vào lòng lớp trẻ ở VN lẫn Mỹ, vào cả phòng trà, là nơi lớp trẻ thường lui tới. Phải biến tấu cải lương cho nhẹ nhàng hơn, để họ chịu “nếm thử”. Lan và Điệp ra đời trong nỗi niềm đó.

Cải lương vào phòng trà ảnh 1
Tài Linh (vai Lan), Quang Thành (vai Điệp) trong ca cảnh Lan và Điệp - Ảnh: H.Kim
Thật sự đây không hẳn là trích đoạn, chỉ gọi là ca cảnh, mà bài bản cải lương đan xen với tân nhạc, và các ca sĩ hát minh họa. Rất dễ xem. Khán giả vỗ tay nhiệt liệt, khiến ông bà chủ phòng trà tròn xoe mắt ngạc nhiên và mừng rỡ. Họ cũng hồi hộp khi thử nghiệm nhưng sau thành công bước đầu này, họ mạnh dạn hơn, dự định sẽ mời thêm các nghệ sĩ như Minh Vương, Lệ Thủy… vào hát. Và chắc chắn chất cải lương sẽ “pha” thêm cho đậm đặc. Bởi trong ca cảnh Lan và Điệp chỉ có một bản Nam Ai được hát, xem ra lọt thỏm trong hàng loạt bài tân nhạc. Thiếu đi bản Tứ Đại Oán của cô Lan thì coi như mất điểm nhấn, mất cái hồn của vở. Và thiếu cả vọng cổ thì cải lương không còn là cải lương. Không cần hát đủ 6 câu hoặc 4 câu vọng cổ, chỉ 2 câu thôi đã vừa vặn. Trong kho tàng cải lương, không thiếu những tác phẩm đặc sắc để chọn lựa đưa vào. Đã đưa thì đưa cho trót, bởi sự đặc sắc ấy sẽ chinh phục khán giả. Xin hãy tự tin với “hàng tuyển”. Và tin cả khán giả. Nói gì thì nói, cải lương vẫn là một mạch ngầm trong dòng máu Việt, nếu biết cách khai thác thì cải lương sẽ tồn tại bền vững.
Theo Hoàng Kim (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm