Cuốn tiểu thuyết lịch sử quý giá

Ông cũng cho biết: “Tôi không viết trong mười năm liền, mỗi lần nhìn thấy các bạn văn có sách mới, tôi đều thấy thèn thẹn. Trong lời tựa của cuốn “Người trăm năm cũ”, khi đề cập đến việc viết của tôi, tôi nghĩ là tôi nợ rất nhiều người, những người đã hợp thành dòng văn học nơi quê người này. Tôi nhắc lại một câu nói của người xưa: “Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt mũi khó coi”. Là một nhà văn mà mười năm liền không viết, soi gương không còn là khó coi nữa, mà là tởm lắm với riêng tôi, nếu tôi vẫn cứ tìm mọi cách chường cái mặt nhà văn không viết của mình trong mọi chốn đông người”.

Cuốn tiểu thuyết lịch sử quý giá ảnh 1

Vì vậy, có thể nói, “Người trăm năm cũ” là những đúc kết đắc địa của nhà văn Hoàng Khởi Phong, sau một thời gian dài không viết. Đây là cuốn tiểu thuyết dày 591 trang, nói về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế khởi nguồn tại vùng Yên Thế Thượng. Nơi đây là một vùng đất có cư dân chủ yếu là nông dân lưu tán các loại. Họ chọn nơi đây làm nơi cư trú và đã công khai chống lại triều đình. Khi thực dân Pháp đến bình định vùng này, các toán vũ trang ở đây có thể cũng chống lại quân Pháp như đã từng chống lại triều đình nhà Nguyễn trước đó để bảo vệ miền đất tự do của họ.

“Người trăm năm cũ” là bức tranh tái hiện khá toàn diện về cuộc khởi nghĩa vang danh lịch sử này. Điều đặc biệt, trong đó không chỉ có những anh hùng như Đề Thám, hay những người đàn ông cùng chí hướng, mà còn tập hợp cả sức mạnh hậu phương từ những người phụ nữ duyên dáng của miền đất quan họ. Bên cạnh Cai Sơn là một cô Nụ dịu dàng, đằm thắm, luôn biết san sẻ cho chồng trong mọi chuyện. Bên cạnh Đề Thám là một bà Ba Cẩn luôn chịu hy sinh. Bên cạnh Cả Trọng là một cô Huệ lúc nào cũng vì chồng mà chịu thiệt thòi…

Họ gắn kết với nhau bắt đầu bằng những câu quan họ, và đứng cạnh nhau trước vận mệnh của dân tộc. Những đoạn văn đầy chất thơ khi ông kể về cuộc giao duyên cũng khiến người đọc bị cuốn hút theo, bên cạnh những cuộc chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân Đề Thám.

Dưới cách nhìn nhận của Hoàng Khởi Phong, cuộc khởi nghĩa của Đề Thám còn là sự vun đắp của một sĩ phu Kỳ Đồng yêu nước, một ông đồ Kinh Bắc cũ, một sư cụ già, một tiểu sư Tâm gan dạ. Những cảnh càn quét, bắt bớ, những âm mưu thâm độc của quân Pháp, những trò hèn hạ của chúng đối với nghĩa quân và nhân dân thực sự làm cho câu chuyện lịch sự trở nên sinh động, không bị o ép bởi những kết luận và lịch sử đã đưa ra sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại.

Cuốn sách có tác dụng làm lay động trái tim của đông đảo người dân yêu nước. Nó giống như những thước phim lịch sử quý giá để tìm hiểu về Đề Thám và cuộc khởi nghĩa “hùm thiêng” một thời.

Theo HÀ THÀNH (SGGP)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm