Đạo diễn Phan Đăng Di: “Tôi muốn làm phim độc lập dù khó phát hành”

Hiện anh đã trở thành một tên tuổi thu hút sự quan tâm của cả giới làm phim độc lập VN lẫn quốc tế.

Trong khi nhiều đạo diễn thường chọn việc làm công ăn lương để ổn định cuộc sống thì Phan Đăng Di lại rẽ theo một hướng riêng. Vài năm gần đây, với việc tự chạy kinh phí làm phim, tự làm nhà sản xuất..., Phan Đăng Di được xem như một đạo diễn tiêu biểu của dòng phim độc lập. Năm qua, Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di là phim độc lập hiếm hoi được khán giả biết đến rộng rãi… Thiên sứ lông bông - bộ phim truyền hình nhiều tập do anh viết kịch bản, cũng vừa lên sóng HTV.

Xúc động khi nghe phim nói tiếng Việt ở nước ngoài

. Trong khi các đạo diễn thường cộng tác với các nhà sản xuất làm phim thương mại để đảm bảo đầu ra, sao anh chọn dòng phim độc lập để phải vất vả tự lo hết mọi thứ?

+ Đạo diễn Phan Đăng Di: Tôi thấy xã hội ta có nhiều cái để nói và có thể nói hay trong điện ảnh nhưng cách làm phim của mình chưa động đến được cái sâu xa trong xã hội. Thông thường, chỉ phim độc lập mới có thể đem chiếu ở các liên hoan phim nước ngoài vì phim có tiếng nói cá nhân, sáng tạo của người nghệ sĩ. Tôi chạnh lòng khi đi nhiều nước thấy người ta rất ít biết đến điện ảnh Việt Nam, nếu có chỉ biết phim của đạo diễn Trần Anh Hùng.

. Anh muốn giới thiệu phim Việt ra nước ngoài là để giới thiệu văn hóa Việt Nam hay để giới thiệu tài năng của Phan Đăng Di?

+ Tất nhiên trong một bộ phim, vai trò của người sáng tạo rất quan trọng. Thế nhưng khi một bộ phim nói tiếng Việt và có một số vấn đề chạm tới sự quan tâm của khán giả nước ngoài, họ sẽ có sự đồng cảm với chúng ta. Chuyện đó còn quan trọng hơn. Mỗi đạo diễn đều muốn thể hiện cái tôi, cái sáng tạo của họ nhưng sâu xa, ai cũng muốn đưa tiếng nói của dân tộc mình ra thế giới. Như Trần Anh Hùng, những phim của anh làm ở Pháp vẫn nói tiếng Việt dù làm phim tiếng Việt ở nước ngoài rất tốn kém và khó tiếp cận khán giả.

. Phim Bi, đừng sợ!đã được giới thiệu đến khoảng 30 nước và giành một số giải thưởng quan trọng nhưng khi chiếu trong nước chỉ thu được 600 triệu đồng. Trong khi đó, phimLong Ruồi mới ra rạp ba ngày đã thu được 9 tỉ đồng. Anh có thấy mủi lòng?

+ Tại thời điểm trình chiếu, bộ phim nghệ thuật Cây đời đoạt giải Cành cọ vàng là bộ phim có ít người xem nhất, trong khi phim thương mại đầy người đi xem. Mình không thể muốn nhiều thứ trong cùng một bộ phim. Tôi mong làm được bộ phim này. Phim ra mắt, vậy là tôi hài lòng. Nhưng điều tôi mong mỏi nhất vẫn là được xem phim nói tiếng Việt trên khắp thế giới. Cảm giác khi ngồi trong phòng chiếu mà người nước ngoài im lặng xem bộ phim nói tiếng Việt của mình thật xúc động, nó làm mình yêu nghề lắm. Còn Long Ruồi là bộ phim mà ngay từ đầu, nhà sản xuất đã rất thông minh. Họ biết khán giả muốn gì và họ đáp ứng thì tất nhiên họ thu được quả ngọt.

Đạo diễn Phan Đăng Di: “Tôi muốn làm phim độc lập dù khó phát hành” ảnh 1

Cảnh trong phim Bi, đừng sợ! (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Độc lập nhưng không đơn độc

. Tại Việt Nam, dòng phim độc lập mới xuất hiện những năm gần đây. Việc nó quá mới mẻ có gây khó khăn cho các nhà làm phim độc lập như anh?

+ Nếu chọn làm phim thương mại thì đạo diễn không bị căng thẳng trong việc đi tìm tài chính hay việc tự tổ chức, vận hành cả guồng máy rạp chiếu, phát hành… Khi ấy, nhà sản xuất lo tất cả, đạo diễn chỉ được mời đến để thực hiện bộ phim và nhận thù lao.

Ngược lại, với dòng phim độc lập, ngay từ đầu, nhà đầu tư đã không hào hứng vì cho rằng dòng phim này kén khán giả và khó phát hành nên khả năng thu hồi vốn khó. Phim độc lập phổ cập tới công chúng không dễ. Ở những nước có công tác giáo dục điện ảnh tốt thì phim độc lập còn có vị trí quan trọng. Như ở châu Âu, phim độc lập vẫn sống tốt vì khán giả có một nền tảng về điện ảnh. Còn ở Việt Nam, hầu như mọi người không hiểu lắm. Một khi không hiểu, họ sẽ không xem.

. Anh có thấy đơn độc khi hiện giờ tại Việt Nam, các nhà làm phim độc lập chỉ đếm trên đầu ngón tay?

+ Phim độc lập phát triển khá mạnh ở các nước khác vì họ có nền lịch sử điện ảnh hơn Việt Nam. Việt Nam mới xã hội hóa điện ảnh năm 2003 cho nên phải phát triển từ từ. Tôi tin sắp tới cộng đồng làm phim độc lập ở VN sẽ phát triển. Tôi không đơn độc vì các quỹ đầu tư cho điện ảnh của thế giới thường chỉ đầu tư cho phim độc lập. Những nước mới tham gia như Việt Nam càng có cơ hội hơn.

Sẽ làm phim độc lập hướng đến khán giả

Sắp tới, Phan Đăng Di sẽ làm nhà sản xuất cho phim độc lập Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp). Phim kể về một cô gái trẻ trót mang bầu với một anh chàng sở khanh. Cô muốn giải quyết hậu quả nhưng không có tiền nên phải tìm mọi cách kiếm tiền. Cái thai cứ lớn lên trong bụng cô cùng câu hỏi liệu nó có bị phá bỏ trong đầu khán giả...

Theo nhà sản xuất, bộ phim trên có yếu tố độc đáo để thuyết phục các quỹ điện ảnh quốc tế, đồng thời vẫn hướng đến khán giả để có thể mang lại doanh thu cao.

______________________________________

Đạo diễn Phan Đăng Di sinh năm 1976, tốt nghiệp lớp biên kịch điện ảnh Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội năm 2000. Từ khi tốt nghiệp đến nay, anh đã thực hiện các phim:

- Sen: Được lựa chọn trình chiếu tại Liên hoan phim ngắn nổi tiếng nhất thế giới Clermont Ferrand 2006.

- Khi tôi 20: Bộ phim ngắn đầu tiên của Việt Nam tham gia vòng dự thi chính thức tại LHP Venise 2008.

- Bi, đừng sợ!: Giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc Quay phim xuất sắc tại LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển, 11-2010)…

Với phim Chơi vơi, Phan Đăng Di là tác giả được đề cử giải kịch bản hay nhất của Giải thưởng điện ảnh châu Á 2009.

Tháng 7- 2011, Cha và con và những chuyện chưa kể của đạo diễn Phan Ðăng Di là dự án châu Á duy nhất trong số 15 dự án được mời tham dự Paris Project thuộc Festival Paris Cinema (Pháp). Anh cũng đang gặp gỡ các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất và phát hành thế giới để giới thiệu về dự án phim độc lập này.

TRÀ GIANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm